Kỷ niệm 438 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cập nhật: 08/01/2024 22:02

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ. Ông sinh năm Tân Hợi (1491) trong một gia đình nho sĩ bình dân ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Sinh ra, ông đã có tư chất khác thường “vóc người có vẻ hùng vĩ”, hơn 4 tuổi mẹ “dạy cậu kinh truyện, hễ dạy đến đâu cậu thuộc lòng đến đó” (Phả Ký - Vũ Khâm Lân). Lớn hơn (ấu cù vu học) ông theo học Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng (người Hoằng Hoá - Thanh Hoá), một vị quan thanh liêm, một người thầy xuất sắc. Ông học rộng tài cao, có khả năng “phò nghiêng đỡ lệch” nhưng không đi thi làm quan mà ở nhà dạy học. Vì triều Lê suy đồi, xã hội loạn lạc, trong triều liên tiếp xảy ra các cuộc chính biến giữa các tập đoàn phong kiến. Học phải hành, đó là nghĩa vụ của người trí thức, phải góp phần vào sự phát triển của lịch sử, vào sự tiến bộ của xã hội và hạnh phúc của nhân dân, không thể mình chỉ là “một quả bầu để treo chứ không phải để ăn” (Khổng Phu Tử). Đến khi nhà Mạc lên làm vua được 8 năm, Mạc Đăng Doanh bắt đầu có những dự án cải tạo tốt, hy vọng “đời đời có một minh quân”, ông quyết định ứng thi, ông liên tiếp đỗ đầu các khoa: thi Hương năm Giáp Ngọ (1534); thi Hội, thi Đình năm Ất Mùi (1535) và đỗ Trạng Nguyên. Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm chức Đông các hiệu thư, sau thăng chức Tả Thị Lang Bộ Hình, rồi Tả Thị Lang Bộ Lại, kiêm Đông các đại học sỹ. Tiếc thay xã hội lại rối loạn, triều Mạc bất lực, gian thần thao túng; ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được vua chấp nhận, ông cáo quan về quê (1542) dựng Am Bạch Vân dạy học và lấy hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. Dạy học và làm thơ để “vực lại nền đạo đức đang suy đồi và qua đó hy vọng có thể chấn hưng lại kỷ cương trật tự của chế độ phong kiến” (Đinh Giả Khánh) như ông hằng ôm ấp trong lý tưởng. Tuy về ở ẩn nhưng ông vẫn suy nghĩ và hành động để đóng góp cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho văn hoá của dân tộc, cho phẩm chất của con người... Mỗi khi có việc hệ trọng vua Mạc đều cho người đến xin ông tham góp hoặc triệu ông về kinh đàm luận, do đó ông tiếp tục được phong chức Thượng thư bộ Lại, rồi Thái phó tước Trình tuyền hầu. Ngày 28/11/1585 (Ất Dậu) ông lâm bệnh nặng, qua đời hưởng thọ 95 tuổi. Vua Mạc cử phụ chính triều đình về viếng và truy phong Tể tướng tước Trình quốc công.

Tượng thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Đền thờ ông tại xã Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài 8 năm làm quan và theo xa giá tòng chinh, còn cả một đời ông gắn bó với quê hương dạy học, làm thơ; tham gia cùng dân trong làng, trong vùng: Bắc cầu Trường Xuân, cầu Nghinh Phong, dựng quán Trung Tân, chọn nơi cắm đất xây chùa trồng cây...

Nguyễn Bỉnh Khiêm một nhà giáo lỗi lạc. Khi chưa làm quan ông đã mở trường dạy học; khi làm quan ông vẫn tham gia giảng bài cho Thái tử nhà Mạc và học trò ở Văn miếu Mao Điền (Hải Dương). Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước đương thời “môn sinh của ông con số thực không biết bao nhiêu mà kể”. Ông hướng cho học trò của mình về hoạt động chính trị, xã hội. Hiếm có những nhà giáo đã tự mình đào tạo ra những trạng nguyên khác và để lại cho đời một đội ngũ trí thức kiệt xuất, nổi tiếng một thời, là rường cột của mấy triều đại như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thì Cử... là những trọng thần nhà Lê; Nguyễn Quyện tướng tài số một của nhà Mạc. Ông còn làm thầy cho hầu hết những người đứng đầu các tập đoàn phong kiến như Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng..., người đời gọi ông là Đại sư, học trò gọi ông là Tuyết Giang Phu Tử, một vinh dự đặc biệt cao quý. Ở nước ta chỉ có một vài nhà nho đức nghiệp đạt được. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một tấm gương sáng cho những người học và dạy học.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà hiền triết, một nhà dự báo, ông không để lại những tác phẩm riêng về triết học, lý học, nhưng qua thơ văn của ông người ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông tuệ kinh dịch am tường thiên văn, địa lý, thấu hiểu nhân tình thế thái. Lĩnh vực nào ông cũng khái quát, phân tích quan hệ nhân quả của quy luật tự nhiên, xã hội, lúc thăng trầm, thịnh suy... và dự báo được những vấn đề lớn của xã hội.

Nguyễn Bỉnh Khiêm một nhà thơ kiệt xuất “ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nước ta thế kỷ XVI, ông có tới hàng ngàn bài thơ chữ Hán, chữ Nôm ở trong tập “Bạch Vân Am thi tập”, “Bạch Vân Am quốc ngữ thi” và bia ký, sấm ký. Thơ của ông thể hiện nhân cách cao cả, khát khao hoà bình, lo lắng về tương lai của dân tộc. Ông tố cáo sự tha hoá của tập đoàn phong kiến, thoán đoạt lẫn nhau. Ông lên án tập đoàn gây chiến tranh “núi xương, sông máu” làm cho đất nước thống khổ, ông ước ao hoà bình “bao giờ... trời đất như xưa vẻ thái hoà”. Là một nhà thơ triết lý, ông cho rằng xã hội sẽ biến đổi "thế gian biến cải vững lên đồi". Ông lên án bọn quan lại phong kiến đánh mất đạo đức để đồng tiền tha hoá con người, ông vạch trần bọn trục lợi, xu thời hám lợi.

Là người yêu nước thương dân, ông luôn cảnh tỉnh với mọi người, khuyên mọi người hãy trở về với tính thiện với nhân nghĩa. Bản thân ông đã nêu gương sáng về đạo đức nhân cách “Trung là cái chính giữa, tính thiện, tâm là cái bến bãi để về theo... biết dừng đúng chỗ là đúng bến ngay... trung ở chỗ nào thì cái thiện ở chỗ đó” (Bia quán Trung Tân). Thơ của ông là một tài sản tinh thần vô giá một bước tiến của nền văn học nước ta./.

Đặng Mai (chọn lọc và tổng hợp)

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com