Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thương binh, Liệt sĩ

Cập nhật: 05/07/2023 15:04

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ - những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Tình cảm của Người biểu hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đưa nhân dân ta thoát khỏi xích xiềng nô lệ của thực dân, đế quốc, phong kiến. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Nhưng niềm vui được hưởng độc lập, tự do của nhân dân ta chưa trọn vẹn vì chỉ 21 ngày sau Ngày Quốc khánh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, đã gây hấn ở Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục cầm súng, đứng lên cứu nước. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trên chiến trường hoặc khi trở về đã mang thương tật.

Nhằm động viên các gia đình có người đã hy sinh, ngày 02/10/1945, Bác Hồ đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội) làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam và trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào ngày 12/11/1945.

Chia sẻ nỗi đau với thân nhân liệt sĩ, ngày 7/11/1946, Bác Hồ ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”...

Sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ thể hiện ở chỗ Người cho rằng cần phải có Ngày Thương binh - Liệt sĩ để “tưởng nhớ những người con đã để lại một phần thân thể hoặc bỏ mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm...”.

Với ý nghĩa ấy, tháng 6/1947, Bác đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.

Bác Hồ nêu rõ sự đền ơn, đáp nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện. Khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ thì “nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc làm phúc”.

Trong Ngày Thương binh - Liệt sĩ tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỉ niệm có mặt 2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc bức thư của Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày “Thương binh toàn quốc”, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm và thăm hỏi, tặng quà các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc.

Nhân ngày này, Bác Hồ gửi tặng Ban Thường trực 1 chiếc áo lụa, 1 tháng lương của Người, tiền 1 bữa ăn của Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng 1.127 đồng.

Xuất phát từ thực tế đất nước còn nghèo lại đang tiến hành kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cho rằng công tác thương binh, liệt sĩ là việc làm “lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian”. Do đó, phải chú trọng những biện pháp để đồng bào nhiệt tình đền ơn, đáp nghĩa, còn những người được giúp đỡ thì “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động lợi ích cho xã hội”.

Với các thương binh, Người ân cần căn dặn: “Hòa mình với nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan chán nản” và “thương binh tàn nhưng không phế”...

Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều gửi thư và tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Trước lúc đi xa, Bác Hồ vẫn luôn canh cánh trong lòng việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Thực hiện tâm nguyện của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thể hiện trách nhiệm đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ bằng những chính sách ngày càng hoàn thiện.

Tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui mừng và xúc động thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thành kính tưởng nhớ đến các bậc anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; trân trọng gửi lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng". Đồng thời, Tổng Bí thư xúc động, nhấn mạnh: “Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm: Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!".

Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 185.000 bệnh binh, 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ...

Đặc biệt, thực hiện chỉ thị số 14-CT-TW của Ban Bí thư ngày 19-7-2017 và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, sau 5 năm (từ 2017 đến nay), với quyết tâm rất cao và cách làm sáng tạo, toàn quốc đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng trong cả nước, trình Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ và công nhận 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hòa bình được gần 50 năm, nhiều trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây trên 90 năm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm và thăm hỏi, tặng quà các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc.

Điều đó cho thấy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng công tác thương binh, liệt sĩ, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc Việt Nam, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước./.

Tác giả: Lương Thắng - Ban CHQS quận Kiến An (Tổng hợp)

Các tin đã đăng

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com