Ngày 19/11/1997, Internet chính thức vào Việt Nam sau rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và ngành Bưu chính Viễn thông. Kể từ ngày Việt Nam đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng đến nay, trong hành trình hơn 25 năm cùng với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không gian mạng được mở rộng, đất nước ta có những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng 4.0.
Không chỉ mang đến nguồn thông tin vô tận, không gian mạng (Internet) còn là nơi kết nối xã hội loài người, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng giá trị cuộc sống. Không gian mạng ngày càng tác động lớn tới không gian sống thực của con người. Trong đó mạng xã hội (MXH) đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Internet, MXH là “mặt trận không tiếng súng”, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Bên cạnh những lợi ích của Internet, MXH mang lại, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các thế lực thù địch đã lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế, tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Đây là một thách thức không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng. Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo... đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Chính vì thế, cần tăng cường lan tỏa thông tin tích cực lên không gian mạng, chuyển hướng sự tập trung chú ý của dư luận tại cùng thời điểm vào những thông tin tích cực, phân hóa và cô lập những nhóm thông tin tiêu cực, đây chính là “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo môi trường phát triển nội dung thông tin tốt nhằm bao trùm và lấn át nội dung thông tin tiêu cực trên không gian mạng.
Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, phải có giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Internet, MXH và tập trung vào những nội dung sau:
Thu hút người dân quan tâm tới thông tin, tuyên truyền, không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn phải bằng lý lẽ đời thường, lập luận thuyết phục. Thông tin phải có sự chọn lọc, mang tính thiết thực, có lợi ích rõ ràng, thúc đẩy cái đẹp, cái tích cực, phê phán và đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực vì sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Nội dung, thông điệp truyền tải ngắn gọn, phù hợp với ngôn ngữ của cộng đồng mạng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video,...
Thông tin phải được cung cấp nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm tính chính xác, chất lượng với cách viết hấp dẫn, thu hút. Khi xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc, phải kịp thời “giải độc” thông tin nhanh chóng bằng nguồn tin xác thực, tin cậy giúp người dân nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đấu tranh, phản bác, đồng thời tuyên truyền và huy động người dân tham gia chia sẻ, lan tỏa nguồn thông tin chính thống thành dòng chủ lưu, chi phối trên mạng. Đối với các vấn đề, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và phức tạp được dư luận quan tâm, phải dự báo được tình hình, xu hướng để chủ động chiếm lĩnh truyền thông trên mạng.
Sáng tạo nội dung tuyên truyền phù hợp với thị hiếu và cách thức tiếp nhận thông tin của cộng đồng mạng qua những hình thức đang phổ biến trên mạng xã hội hiện nay có thể ứng dụng trong tuyên truyền chính trị, như: Kể chuyện (story telling) - người làm công tác tuyên truyền gửi gắm thông điệp thông qua những câu chuyện có ý nghĩa, chạm đến cảm xúc của độc giả nhằm thể hiện sự thấu hiểu và gắn kết; Video ngắn (short video/reel) - hình thức truyền thông qua các video ngắn 10s - 30s, đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay với sự tham gia của hầu hết các mạng xã hội lớn, như Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram...; nội dung do người dùng tạo ra (UGC content), có thể ứng dụng trong các cuộc thi trực tuyến (online) với sự tham gia của công chúng mục tiêu; sử dụng người có sức ảnh hưởng (KOLs) để định hướng dư luận...; livestream (phát trực tuyến trên mạng xã hội) góp phần thu nhỏ khoảng cách giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân; quảng cáo hướng đối tượng (chạy quảng cáo để phát các thông điệp cần tuyên truyền đến các nhóm đối tượng mong muốn). Thay vì ngăn chặn tin giả một cách thụ động thì sử phương thức mới dựa trên tính thời sự, tính thực tiễn và tính trực diện, sự tương tác…, đó là “truyền thông chủ động trên chính nơi mà tin giả phát tán”.
Cùng với việc đẩy mạnh lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực thì cần gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Trong đó, “xây” là giải pháp tập trung vào bên trong, nội tại, “chống” là giải pháp hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài, phải được thực hiện quyết liệt, kiên trì. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy mạnh tính thường xuyên rà quét, phát hiện thông tin xấu, độc và tổ chức nhiều đợt đấu tranh cứng rắn, quyết liệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời tin giả, thông tin xấu, độc xuyên tạc chủ trương, đường lối, tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung phản cảm, độc hại đối với trẻ em và các quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các thế lực thù địch, tổ chức phản động.
Nâng cao nhận thức cho người dân về nhận diện tin giả, thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Đồng thời, chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, cảnh báo người dân không chia sẻ và hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.
Ngoài ra, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên cập nhật kiến thức về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu, độc trên không gian mạng, kỹ năng tương tác và thực hành trên không gian mạng; tập huấn những kỹ năng thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền, kỹ năng viết tin, bài; kỹ năng truyền thông, sử dụng mạng an toàn..../.
Cộng tác viên