Lễ hội “mừng cơm gạo mới” thôn Quỳnh Hoàng, Một nét đẹp trong đời sống văn hóa

Cập nhật: 11/12/2023 05:13

Một ngày cuối thu năm 2023, nhằm ngày 15/9 Quý Mão, tôi được mời về dự Lễ hội “Mừng cơm gạo mới” của thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, huyện An Dương. Thôn Quỳnh Hoàng trên con đường xây dựng nông thôn mới, đường về làng khang trang, sạch đẹp, vẫn còn đâu đây thoang thoảng mùi thơm của những bông lúa vàng sẫm hạt, mùi rơm rạ báo hiệu một mùa bội thu.

Tiết mục văn nghệ mừng lễ hội

Quỳnh Hoàng có đình Quỳnh Hoàng thờ Đại tướng quân Nguyễn Danh Uy và Phó tướng quân Cống Lãnh Đại vương là hai vị danh tướng lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống quân Mông – Nguyên; sang đầu Thế kỷ thứ 14, Quỳnh Hoàng được nhà Vua sắc phong và cho lập miếu thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo. Đến Thế kỷ thứ 16, lập miếu thờ đức Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi – lưỡng quốc Đại vương, Mạc Triều Tướng công, Thượng đẳng tối Linh thần. Hiện nay, Quỳnh Hoàng còn có đền thờ Tiến sỹ Lê Đức Liêu, một người con tiêu biểu của quê hương - mồ côi cả cha lẫn mẹ, đã miệt mài học tập, thi cử và đỗ Tiến sỹ. Thôn Quỳnh Hoàng 2 lần được Vua phong “Làng Thang Mộc ấp”, còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có Lễ hội “Mừng cơm gạo mới”.

Trang ấp Quỳnh Hoàng xưa là vùng đất ven sông, cư dân trong làng sống bằng nghề làm vườn, trồng lúa nước và đánh bắt hải sản. Đến nay, thôn Quỳnh Hoàng với 1.300 nhân khẩu, phần lớn vẫn là thuần nông, một số thoát ly tham gia sản xuất công nghiệp tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn huyện An Dương và nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố.

Hình ảnh buổi Lễ tại đình làng Quỳnh Hoàng

Theo truyền thống, Lễ hội “Mừng cơm gạo mới” thôn Quỳnh Hoàng khởi nguồn từ Thế kỷ thứ 16; được thực hiện trong hai ngày 14 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 15 là chính hội. Vào ngày chính hội, nhân dân trong làng đem những sản vật tự làm ra như: Cơm gạo mới từ lúa Ba Giăng, chim cút, cá mòi, cua bể, xôi gạo nếp mới...dâng lên tế lễ trời đất, Thánh mẫu, Thành hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, Quốc thái, Dân an, mùa màng bội thu, làng xã bình yên. Nhưng trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, lễ hội này đã có một thời gian mai một hoặc tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.

Để phát huy một nét đẹp truyền thống, từ những thập niên cuối của Thế kỷ thứ 20, thực hiện ước nguyện của nhân dân làng trong thôn, Ban Quản lý di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đình Quỳnh Hoàng, được sự đồng ý cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa huyện An Dương, Lễ hội “Mừng cơm gạo mới” thôn Quỳnh Hoàng được khôi phục và phát triển, thấm thoát cũng trên 30 năm.

Trong những năm gần đây, Lễ hội “Mừng cơm gạo mới” thôn Quỳnh Hoàng được tổ chức với quy mô rộng, trang nghiêm và để lại nhiều dấu ấn đối với nhân dân trong thôn và khách quý của nhiều địa phương về dự lễ hội. Trong hai ngày lễ hội, ngày 14 làm các công tác chuẩn bị. Trong ngày chính hội, tổ chức các hoạt động: Chương trình văn nghệ chào mừng, mang lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng, đất nước, quê hương; diễn văn khai mạc Lễ hội, các lãnh đạo của huyện An Dương, xã Nam Sơn, các ban ngành, đoàn thể của xã, thôn Quỳnh Hoàng lên dâng hương, tri ân Thành hoàng làng, tổ tiên; sau đó là các đội tế nam, đội tế nữ tế thiên địa, Thánh mẫu, Thành hoàng làng Quỳnh Hoàng.

Một dấu ấn rất đặc biệt là, sau các phần lễ trang nghiêm, thành kính là liên hoan ẩm thực. Các đại biểu, khách quý dự ẩm thực được thưởng thức những món ăn mang đậm nét của đồng bằng Bắc Bộ, vùng đồng bằng ven biển mà Hải Phòng - huyện An Dương đang khai thác tiềm năng này để phát triển du lịch về văn hoá ẩm thực.

Trước hết là phải kể đến món cua bể - một món ăn rất đặc trưng của vùng ven biển, những con cua bể được luộc chín đỏ, thớ thịt cua trắng chấm với tương ớt làm nao lòng du khách. Tiếp đến là cá mòi kho (hoặc rán) chấm nước mắm tỏi đậm đà. Sau là xôi nếp đồ trộn với thịt chim cút 10 thật thơm ngon, bổ dưỡng. Trong bữa ẩm thực, bà con du khách được thưởng thức món canh rau cải xanh nấu với cá rô đồng rất cầu kỳ, thêm gia vị của gừng gợi nhớ về những mùi vị của ngày xưa thân thuộc. Giò tai heo giòn và dai. Cốm làm từ gạo nếp mới, xanh, dẻo, dai đặt trên là sen, ăn với giò tai heo cho tạo nên một món ăn khác lạ... Chỉ từng ấy thôi cũng đủ thấy, sự trù phú của nền kinh tế nông nghiệp một vùng quê, sự tinh thế trong ẩm thực đặc trưng của người dân Đất cảng nói chung và người dân nơi đây nói riêng.

Trao đổi về những giá trị nhân văn sâu sắc của Lễ hội “Mừng cơm gạo mới”, ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Chi bộ thôn Quỳnh Hoàng cho biết: Cấp ủy, chính quyền, nhân dân Quỳnh Hoàng muốn khôi phục lễ hội để trước hết cảm ơn Trời đất đã che chở tạo mưa thuận, gió hòa để có một mùa bội thu; thứ hai là giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên; thứ ba là, tri ân những con người tần tảo sớm hôm để trồng ra hạt gạo, nuôi sống bao thế hệ, như ca dao đã từng răn dạy: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo dai một hạt đắng cay muôn phần”, tạo động lực khuyến khích người dân hăng say lao động, sản xuất tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, nhiều sản phẩm đặc sắc của quê hương.

Lễ hội truyền thống “Mừng cơm gạo mới” thôn Quỳnh Hoàng năm nay đã khép lại, nhưng dư âm về truyền thống văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng, phát huy giá trị di tích tại địa phương, góp phần vào việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì còn mãi./.

Nghệ nhân thư pháp Trần Quốc Huy

Phó Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề thành phố Hải Phòng

                                          

         

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com