Phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng huyện Vĩnh Bảo ngày càng phát triển

Cập nhật: 03/08/2023 06:40

Nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Phòng với diện tích tự nhiên 183,13 km2, dân số trên 186.000 người, Vĩnh Bảo là một huyện có vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng - an ninh của thành phố. Vùng đất "địa linh nhân kiệt" ấy không chỉ có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời mà còn là cái nôi nuôi dưỡng cách mạng với những người con kiên trung, bất khuất.

Được thành lập từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838), ngay từ thuở sơ khai lập đất, lập làng, xây dựng cộng đồng, người dân Vĩnh Bảo đã sớm khẳng định vai trò chủ nhân của mình ở một miền quê đầy sóng gió. Với những phẩm chất quý báu: luôn kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chế ngự thiên nhiên; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất là di sản tinh thần vô giá được giữ gìn, kế thừa và phát huy qua năm tháng, tiếp nối qua các thế hệ. Đặc biệt, dưới ánh sáng soi đường của Đảng cộng sản Việt Nam, những truyền thống ấy càng được phát huy mạnh mẽ trong điều kiện lịch sử mới.

Cách đây 85 năm, ngày 08-8-1938, tại nhà ông Trịnh Khắc Dần ở Cổ Am, Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Vĩnh Bảo - một trong ba chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của Tỉnh bộ Hải Dương được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng trên quê hương Vĩnh Bảo truyền thống, anh hùng. Kể từ đây, mọi phong trào và mỗi bước phát triển của huyện đều gắn với sự lãnh đạo của Chi bộ, sau này là Đảng bộ huyện. Trải qua thăng trầm lịch sử cùng đất nước, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Hiện nay, Đảng bộ có 9.350 đảng viên đang sinh hoạt tại 72 tổ chức đảng cơ sở.

Huyện Vĩnh Bảo đổi mới từng ngày

Anh hùng trong kháng chiến

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nhân dân Vĩnh Bảo đã kiên cường đấu tranh trong các cuộc kháng chiến, góp phần viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Bảo đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, cùng quân dân các địa phương trên tuyến quốc lộ 10 làm nên truyền thống “Đường Mười quật khởi” anh hùng, góp phần thắng lợi chung của cả nước, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân cũ.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân Vĩnh Bảo lại một lần nữa phát huy tinh thần quật khởi, chiến đấu để bảo vệ nền độc lập tổ quốc. Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Bảo đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến, là huyện đi đầu trong phong trào “Xây dựng cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”. Phát huy phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hơn 2 vạn thanh niên Vĩnh Bảo đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Có những người con đã ra đi mãi mãi, cũng có những người đã để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường. Trong số đó tiêu biểu phải kể đến tiểu đoàn đường 10 quật khởi với hơn 700 cán bộ chiến sĩ, chủ yếu là con em Vĩnh Bảo chiến đấu ở chiến trường Ninh Thuận, trên 60% cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Năm 1969, Trung đội du kích tập trung của huyện với tinh thần quả cảm, chiến đấu anh hùng đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế, toàn huyện có 4.934 liệt sỹ, 3.005 thương binh, 785 bệnh binh, 499 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 50 cán bộ lão thành cách mạng, 6 cán bộ tiền khởi nghĩa, 566 người bị địch bắt tù đày, và hàng nghìn người phải chịu những di chứng nặng nề do chiến tranh để lại, 11.251 người hoạt động cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến và hàng nghìn người phải chịu những di chứng nặng nề do chiến tranh để lại,… Đó là những minh chứng hùng hồn cho truyền thống anh dũng, bất khuất của quê hương Vĩnh Bảo.

Với những đóng góp, hy sinh lớn lao của quân và dân huyện nhà, năm 1996, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Bảo vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 9 tập thể (Trung đội du kích tập trung, Tiểu đoàn đường 10 quật khởi, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện, nhân dân và lực lượng vũ trang các xã: Cổ Am, Đồng Minh, Cao Minh, Tam Đa, Liên Am, Dũng Tiến) và cá nhân ông Nguyễn Văn Hợi (xã Cao Minh) được phong danh hiệu anh hùng lao động năm 1958, ông Nguyễn Hữu Đoài (xã Tam Đa) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen trong kháng chiến.

Truyền thống hiếu học từ xưa

Từ xưa, vùng đất này được xem là “Đất học, đất quan”, đời nào cũng vậy, Vĩnh Bảo luôn có đội ngũ trí thức đông đảo, học vấn cao ở nhiều lĩnh vực, làm quan nổi tiếng thanh liêm. Nhiều cử nhân, bảng nhãn, thám hoa, tiến sỹ, trạng nguyên sinh ra và lớn lên từ Vĩnh Bảo. Chưa có thống kê chính xác, nhưng từ nơi đây đã có biết bao người học hành giỏi giang, thành đạt có những đóng góp đối với nền văn hóa, khoa học nước nhà.

Hiếu học đã trở thành truyền thống của người dân Vĩnh Bảo. Việc học hành luôn được coi trọng, trẻ em từ nhà khá giả cũng như nghèo khó đều thi nhau học. Trong hàng trăm những người thành danh, đỗ đạt cao, không thể không nhắc đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585). Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, tước Trình quốc công. Là vị quan có tài, yêu dân, yêu nước, học vấn uyên bác cùng với nhân cách cao đẹp, ông được người đời kính phục và tôn ông là Tuyết giang phu tử.

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, ngày càng có nhiều người con Vĩnh Bảo thành tài trên các lĩnh vực khác nhau. Theo thống kế, hiện nay có hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú,… là người Vĩnh Bảo. Hàng năm, số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học huyện nhà luôn đứng tốp đầu của thành phố, trường THPT Vĩnh Bảo được biết đến là ngôi trường làng có nhiều thủ khoa đại học của cả nước. Trong những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện luôn chú trọng đầu tư vào sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Ngay trong nhiệm kỳ vừa qua, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 10/12/2022 “Về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Duy trì hàng năm, huyện tổ chức Lễ biểu dương học sinh, giáo viên tiêu biểu tại đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm động viên, khích lệ phong trào thi đua học tập. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển, hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng “Quỹ khuyến học xã” trong đó nhiều xã có quỹ khuyến học lên đến hàng trăm triệu đồng như Cổ Am, Hòa Bình, Nhân Hòa,… Không chỉ có huyện và xã, các làng văn hóa, các dòng họ đều xây dựng quỹ khuyến học với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Chính nhờ sự quan tâm, đầu tư kịp thời của các cấp chính quyền, địa phương và nhân dân, truyền thống hiếu học trên mảnh đất Vĩnh Bảo không những bị mai một mà ngày càng được gìn giữ, phát huy.

Nét đẹp văn hóa lâu đời

Sinh ra trên mảnh đất đầy nắng gió, bên cạnh tinh thần bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm, truyền thống hiếu học lâu đời, người dân Vĩnh Bảo còn được biết đến với sự chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, từ đó xây đắp nên những giá trị văn hóa tiêu biểu của quê hương. Đồng đất Vĩnh Bảo phần nhiều bị nhiễm chua, tiềm năng kinh tế không đa dạng, nhưng với bản tính siêng năng trong lao động, bên cạnh việc trồng lúa, người dân Vĩnh Bảo còn trồng cây thuốc lào để tăng thêm thu nhập, từ đó, đặc sản thuốc lào Vĩnh Bảo đã trở thành sản phẩm nổi tiếng của nơi đây.

Vĩnh Bảo có nhiều nghề thủ công cổ truyền, có tiếng là nghề dệt vải khổ nhỏ ở Cổ Am, Hội Am, chiếu cói làng Bào và tạc tượng, làm con rối ở Linh Động. Xã Đồng Minh có phường điêu khắc, tạc tượng, làm con rối, đồ sơn mài khá nổi tiếng, tiêu biểu là phường Bảo Hà. Nghệ thuật điêu khắc ở Vĩnh Bảo còn được thể hiện ở những công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu là đình Cung Chúc (Trung Lập), chùa Mét (Cổ Am), miếu Cựu Điện (Nhân Hòa), đình An Quý (Cộng Hiền)… Những công trình văn hóa - lịch sử là sự kết tinh tài hoa và khiếu thẩm mỹ trên lĩnh vực kiến trúc dân gian, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của các thế hệ người Vĩnh Bảo.

Vĩnh Bảo có nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian khá đặc sắc, phản ánh khiếu thẩm mỹ, tài năng của cư dân trồng lúa nước, trong đó có môn nghệ thuật múa rối nước xã Nhân Hòa - là một trong 14 phường múa rối nước của cả nước. Nơi đây còn có nhiều lễ hội văn hóa, hội đình, chùa, hội đua thuyền, hội thi pháo đất,… Mỗi lễ hội đều để lại dấu ấn đậm nét, truyền thống văn hóa tiêu biểu của con người Vĩnh Bảo.

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng quê hương giàu đẹp

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương Danh nhân Văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, 85 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Bảo tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Điều đó được minh chứng rõ nét qua những kết quả huyện nhà đã đạt được trên mọi lĩnh vực. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển. Một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, đô thị được tập trung thực hiện góp phần mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng về kinh tế đều vượt kế hoạch, tăng cao: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 332,649 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2022 đạt 2.720 USD/người/năm (63,39 triệu đồng/người/năm). Đặc biệt, công tác xây dựng huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023 huyện nhà đón nhận những tin vui trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm, tận dụng thời cơ, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp uỷ đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, trách nhiệm, công tâm, sát dân, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp tập trung, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch để tạo thế hấp dẫn, thu hút đầu tư. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị theo quy hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng, an toàn, có giá trị kinh tế cao. Phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của địa phương. Xây dựng Vĩnh Bảo thành khu vực phòng thủ vững chắc, huyện an toàn, thân thiện, có môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Lịch sử 85 năm xây dựng và trưởng thành, với biết bao thăng trầm, song với bản lĩnh cách mạng, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và đúc kết nên những truyền thống quý báu của quê hương. Phát huy những truyền thống vẻ vang, hào hùng ấy, trong những chặng đường tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Bảo quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phạm Tuyên Dương - Ủy viên BTV Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com