Hải Phòng - Địa bàn chiến lược, truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng - Phần 1

Cập nhật: 06/06/2023 21:54

HẢI PHÒNG - ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC, TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

 

I. HẢI PHÒNG-ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CHỐNG NGOẠI XÂM.

Hải Phòng là thành phố Cảng, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và cả nước, là đô thị loại I, trung tâm đô thị cấp quốc gia có vị trí, vai trò hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của miền Bắc và cả nước, đặc biệt là đối với Thủ đô Hà Nội.

Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Hải Phòng luôn là đầu cầu chiến lược quan trọng. Khi xâm lược nước ta, kẻ thù thường tiến vào Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long - Hà Nội và miền Bắc nơi đặt cơ quan đầu não của quốc gia. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là điểm rút cuối cùng. Điều này đã nhiều lần diễn ra trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Tiêu biểu là các cuộc xâm lược của quân Đông Hán năm 43, quân Nam Hán năm 938, quân Tống năm 981, quân Mông - Nguyên năm 1285 và 1288, quân Pháp năm 1872, quân Nhật năm 1940, quân Pháp năm 1946-1955, quân Mỹ năm 1964. Do vậy, Hải Phòng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm thường là nơi đi trước về sau và luôn có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. 

Lịch sử vùng đất Hải Phòng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của khu vực Duyên hải Đông Bắc. Phía Đông là biển (Vịnh Bắc Bộ); phía Tây giáp tỉnh Hải Dương; phía Nam giáp tỉnh Thái Bình; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, cách biên giới Trung Quốc hơn 100 km. Tính đến năm 2010, Hải Phòng có diện tích tự nhiên 1.519,2 km2, dân số 1.842,8 nghìn người, gồm 15 đơn vị hành chính: các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn; các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và hai huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ.

Địa hình Hải Phòng Vùng đồi núi xen kẽ với đồng bằng và ven biển: vùng đồi núi được phân bố rộng, sát biển và sâu trong nội địa, gồm các núi cao trên đảo Cát Bà, bán đảo Đồ Sơn, sâu trong đất liền là các dãy đồi núi Kiến An, An Lão, Thủy Nguyên. Vùng đồng bằng chiếm đại bộ phận diện tích Hải Phòng. Vùng ven biển có dải rừng ngập mặn trải dài ven biển. Với sự kiến tạo đó, Hải Phòng có địa thế vừa đa dạng, phong phú vừa phức tạp, góp phần tạo nên thế hiểm về quân sự, ngăn chặn kẻ thù tiến vào từ hướng biển.

Sông ngòi ở Hải Phòng có mật độ tương đối dày, đều là hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình. Các sông lớn gồm Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Đa Độ, Mới, Luộc, Hóa và nhiều sông nhánh. Sông ngòi ở Hải Phòng chủ yếu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với độ uốn khúc lớn. Mạng lưới sông dày và biển tạo cho Hải Phòng có ưu thế lớn về giao thông vận tải. Từ Hải Phòng theo các dòng sông, đường biển, đường không đường sắt có thể đi Đông Bắc xuống Khu 3, lên Việt Bắc, Tây Bắc, tới khắp các vùng trong nước, tới các nước trên thế giới.

  Biển - đảo là yếu tố tự nhiên tiêu biểu nhất của Hải Phòng, tác động trực tiếp đến đặc điểm tự nhiên, tới quá trình hoạt động của con người trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Vùng biển đảo Hải Phòng, có diện tích trên 4.000 km2. Đảo được phân bố dọc theo bờ biển, gồm quần đảo Cát Bà, đảo Long Châu, Cát Hải, Hòn Dấu. Quần đảo Cát Bà, gồm hơn 300 đảo lớn nhỏ, có rừng quốc gia, là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới. Riêng đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh Bắc Bộ, rộng trên 2 km2, được ví như “Con mắt biển khơi”, một trung tâm dịch vụ nghề cá của vịnh Bắc Bộ. Biển - đảo Hải Phòng có vị trí quân sự đặc biệt trọng yếu ở vùng Đông - Bắc Tổ quốc.

Có thể khẳng định: tất cả các tỉnh, thành phố trên đất nước ta mỗi nơi đều có những thế mạnh riêng về địa lý, kinh tế, quốc phòng-an ninh... Nhưng hiếm có địa phương nào có được sự toàn diện và phong phú như Hải Phòng.

Hải Phòng là vùng đất ven biển được người Việt cổ khai phá sớm, là một trong những đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa được hình thành vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ tiền sử đến thời hiện đại, Hải Phòng luôn là địa bàn mà người dân ở các nơi đến sinh cơ lập nghiệp, công tác, học tập. Từ buổi đầu dựng nước, cư dân Việt cổ lần lượt tiến ra khai phá vùng đồng bằng ven biển. Các di chỉ khảo cổ như Cái Bèo (Cát Bà), cách ngày nay khoảng 7.000 năm; Tràng Kênh, Việt Khê (Thủy Nguyên), cách đây khoảng 3.500 - 3.000 năm; núi Voi (An Lão), cách nay khoảng 3.000 - 2.500 năm, đều gắn liền với quá trình khai hoang, lấn biển, hình thành cộng đồng làng xã trên đất Hải Phòng. Trên đảo, trên đất liền, người dân “Dựa lưng” vào núi, quần tụ trong hang núi, quanh thung áng, ven sông, ven biển để săn bắn, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản.

     Thời dựng nước Văn Lang, truyền thuyết cho biết, các vua Hùng đều thân chinh đi tuần thú vùng ven biển Hải Phòng, cử các Lạc tướng đóng quân trấn giữ các vùng hiểm yếu ở cửa Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình, bán đảo Đồ Sơn và vùng núi Thủy Nguyên, An Lão. Sau khi đánh thắng quân xâm lược Đông Hán (năm 40 - 43), Nam Hán (năm 938), Tống (năm 981), Mông-Nguyên (năm 1258, 1285 và 1288), Minh (năm 1428)…Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn và các triều Lý, Trần, Lê đều bố trí lực lượng quân đồn trú ở các điểm trọng yếu, xây dựng căn cứ thủy quân ở Tháp Nhĩ Sơn (Đồ Sơn), khuyến khích dân chúng đến vùng đất Hải Phòng để khai hoang, lấn biển, mở mang làng xã vừa phát triển sản xuất vừa tạo lực lượng tại chỗ, hình thành thế trận toàn dân đánh giặc, để  bảo vệ vùng ven biển Đông - Bắc, nơi mà quân xâm lược thường chọn làm cửa ngõ để tiến vào kinh đô Đại Việt.

      Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vùng đất Ninh Hải bên sông Cấm, được đô thị hóa, dần trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa, có cảng biển, công nghiệp, dịch vụ phát triển. Thành phần dân cư có những biến đổi sâu sắc. Ngoài hai giai cấp nông dân, địa chủ, từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX, ở Hải Phòng đã hình thành thêm các giai cấp tư sản, công nhân, tiểu tư sản và tầng lớp trí thức.

Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hải Phòng trở thành thành phố có cảng biển, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đầu mối giao thông lớn nhất Bắc kỳ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn, chủ yếu thuộc các lĩnh vực cơ khí tàu thuyền, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm…được xây dựng. Về thương mại, dịch vụ, chủ yếu là hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng, cung ứng các nhu cầu của tàu biển, tàu sông, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ. Hiện nay, Hải Phòng là một trung tâm kinh tế trọng điểm, là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Ngay sau khi xâm lược Bắc kỳ, thực dân Pháp đã sớm xây dựng Hải Phòng thành đầu mối giao thông quan trọng, có đủ các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không. Từ Hải Phòng, với các loại hình giao thông, có thể đến tới các địa phương trong nước và các nước trên thế giới. Cảng Hải Phòng được khởi công xây dựng từ năm 1874 sau hơn một trăm năm phát triển, nay trở thành một hệ thống cảng được trang bị hiện đại. Lượng hàng hóa thông qua cảng, năm 2010 đạt trên 32 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. (Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện và cảng Quân sự tại Hải Phòng). Đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Vân Nam (Trung Quốc) được khởi công năm 1902. Đường số 5 từ Hà Nội đến Hải Phòng được xây dựng năm 1905. (Từ năm 2010, dự án đường ô tô cao tốc Hải Phòng - Hà Nội được triển khai. Đường số 10, từ Ninh Bình, nối các tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc bộ với vùng mỏ Quảng Ninh được nâng cấp, mở rộng hơn nhiều so với thời kỳ trước). Dưới thời thực dân Pháp xâm lược, chúng xây dựng sân bay Cát Bi (năm 1912) và Đồ Sơn (năm 1951). Hiện nay, Hải Phòng có sân bay dân dụng Cát Bi và sân bay quân sự Kiến An. Đây là những sân bay có vị trí vai trò quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - văn hoá xã hội, quốc phòng - an ninh.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người dân Hải Phòng luôn vững vàng “Nơi đầu sóng” cùng cả nước chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Từ khi các vua Hùng dựng nước, Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kẻ thù phương Bắc xâm lăng Đại Việt thường theo đường biển qua sông Bạch Đằng tiến vào đánh chiếm Kinh đô Đại Việt. Cửa sông Bạch Đằng trở thành nơi quan yếu: “Quan hà bách nhị do thiên thiết. Hào kiệt công danh thử địa tằng”. Do vậy, các triều đình phong kiến đều chú trọng bố trí lực lượng quân đội và dân binh trấn giữ bảo vệ địa bàn này. Những năm 40 - 43, Nữ tướng Lê Chân được Hai Bà Trưng phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, trấn giữ vùng Đông Bắc, nơi Bà cùng dân chúng khai phá lập nên trang An Biên và tham gia khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Đông Hán. Bà cùng dân chúng đắp luỹ, dựng đồn, lập nên Hải tần phòng thủ (nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tên gọi Hải Phòng ngày nay chính là do gọi tắt Hải tần phòng thủ mà thành). Cùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, có ba chị em Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Ráng, Tạ Đoan Dung ở Tiên Lãng, mẹ con Trần Thị Trinh ở An Lão. Năm 43, quân Hán tràn vào nước ta qua cửa Bạch Đằng. Thế giặc mạnh, Lê Chân cùng quân, dân Hải Phòng chiến đấu ngoan cường, với nhiều tấm gương hy sinh anh dũng mà tiêu biểu là của Sĩ Quyền, người trang Đồng Lý, Thủy Nguyên.

 Trong suốt gần nghìn năm Bắc thuộc, nhiều trai tráng của đất Hải Phòng, cùng các hào kiệt nước Việt liên tục đứng lên khởi nghĩa. Tiêu biểu phải kể đến bà Hoàng Thị Lãng cùng em trai là Hoàng Công Thanh ở An Dương; Vương Công Hiển cùng vợ là Vũ Thị Qúy Minh ở An Lão và đông đảo trai tráng tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí chống lại ách đô hộ của nhà Lương (Năm 540). Từ thế kỷ thứ VIII, các cuộc nổi dậy giành quyền tự chủ nổ ra liên tục. Trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của nhà Đường, ở Kiều Yêu, Quốc Tuấn, An Lão, có hai chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn (con của Mai Thúc Loan); ở làng Đồng Tải, quận Kiến An có bà Phùng Thị Trinh và các con Trương Phán, Trương Dị, Trương Thanh tập hợp dân chúng nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta thời Đường dưới sự lãnh đạo của Khúc Thừa Dụ dần phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nghĩa quân từ các hướng, kéo về thành Tống Bình (Hà Nội) giành chính quyền từ bọn đô hộ, xây dựng chính quyền tự chủ (năm 905).

Tháng 11 năm 938, vua Nam Hán sai con trai là Thái tử Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta. Quân địch từ biển tiến vào sông Bạch Đằng. Ngô Quyền đã chọn vùng cửa sông này làm nơi quyết chiến chiến lược. Một thế trận được giăng ra nơi cửa biển. Ngô Quyền kéo quân về và đóng đại bản doanh ở làng Lương Xâm sau đó chuyển về làng Gia Viên (Làng Cấm) để chỉ huy trận đánh lịch sử này. Quân đội triều đình cùng dân chúng Hải Phòng chặt gỗ, vót nhọn cắm xuống lòng sông, nhân thủy triều cao nhử địch vào qua bãi cọc và phản công khi thủy triều xuống. Kế sách tưởng đơn giản nhưng thực sự là cả một nghệ thuật về bố trí cọc và lực lượng, tính toán sao cho địch vượt qua bãi cọc khi nước triều cường mà không đủ thời gian vào sâu nội địa thì nước triều xuống. Hai chàng trai Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận, người làng Gia Viên, được giao nhiệm vụ nhử địch vượt qua bãi cọc. Ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả, người làng Hoàng Pha, chàng trai họ Nguyễn ở Lâm Động, Thủy Nguyên chỉ huy đội dân binh cùng tham gia đánh giặc. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, đúng như dự tính. Toàn bộ đội quân xâm lược cùng đoàn thuyền chiến lớn bị tiêu diệt ở ngay cửa biển khi chúng chưa kịp đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ta. Đây quả là một trận đánh thần tốc, đạt hiệu quả cao vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa hết sức to lớn, mở đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc ta, chấm dứt ách thống trị hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, đưa dân tộc ta thoát khỏi hiểm hoạ diệt vong. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: chiến thắng này đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nước ta[1]. Nhân dân nhiều làng xã trên đất Hải Phòng lập đền thờ người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Nghệ thuật đánh giặc tiến vào từ đường biển mãi còn là bài học lịch sử mà các thế hệ sau đó sử dụng có hiệu quả.

Trận quyết chiến thứ hai trên sông Bạch Đằng diễn ra sau đó gần nửa thế kỷ. Năm 981, Lê Hoàn cũng dùng mưu xưa của Ngô Quyền, đánh tan quân xâm lược nhà Tống khi chúng vừa bén mảng đến địa đầu bờ cõi nước ta. Nhiều trai tráng khắp vùng Hải Phòng tham gia. Tiêu biểu là bốn anh em họ Phạm ở Thủy Đường; ba anh em họ Đào ở Trinh Hưởng; Phạm Quảng ở Phương Mỹ - Thủy Nguyên.

Từ thế kỷ thứ X, nhà nước phong kiến Đại Việt thực hiện chính sách khuyến khích dân chúng ra vùng ven biển Hải Phòng khai khẩn đất đai, thành lập làng xã, mở mang cuộc sống, để tạo lực lượng tại chỗ, làm “Phên dậu” bảo vệ quốc gia. Các đồn binh được xây dựng suốt dải ven biển, từ Vân Đồn đến Sơn Nam Hạ. Bên cạnh lực lượng quân đội của triều đình, ở các điền trang, thái ấp, các làng xã đều thành lập đội dân binh. Chính sách “Ngụ binh ư nông” cho trai tráng thay phiên nhau vừa là lính vừa cày ruộng, tạo thế trận toàn dân đánh giặc. Các triều đình phong kiến còn chủ trương “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”, xây dựng thế trận lòng dân. Do vậy, suốt mấy trăm năm, Đại Việt thanh bình, thế nước vững vàng.

Cuối thế kỷ XIII, trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, vùng đất Hải Phòng lại trở thành một trong những địa bàn diễn ra những cuộc đối đầu quyết liệt giữa ta và địch. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, năm 1285, các vua Trần đã tiến hành cuộc rút lui chiến lược thần kỳ trước cuộc truy đuổi ráo riết của kẻ thù. Vua từ Thiên Trường (Nam Định) ra Bình Than, Kiếp Bạc, sau đó bỏ thuyền, đi bộ về Thủy Chú (Thủy Nguyên), dùng thuyền theo sông Bạch Đằng và các dòng sông trong nội địa ra cửa Đại Bàng vượt biển vào Thanh Hoá. Từ đây, quân dân nhà Trần tổ chức phản công đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến lần thứ hai, biết kẻ thù sẽ không từ bỏ dã tâm xâm lược, nhà Trần đã tăng cường lực lượng phòng thủ ven biển, xây dựng căn cứ thủy quân mạnh ở Tháp Nhĩ Sơn (Đồ Sơn), Trúc Động (Thủy Nguyên). Trong cuộc xâm lược lần thứ ba, hơn 300 chiến thuyền của địch, do Ô Mã Nhi chỉ huy, bị thủy quân ta đánh tan tác trên vùng biển Tháp Nhĩ Sơn (ngày 10 tháng 2 năm 1288). Ngày 09/4/1288, trên sông Bạch Đằng đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược lịch sử.

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược này, dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, dân chúng Hải Phòng cùng quân đội ráo riết đốn cây vót nhọn cắm xuống sông, làm bè hỏa công, mài gươm sắc, vót chông, tên nhọn chờ ngày quyết chiến. Bà bán hàng nước bên sông Rừng (sông Bạch Đằng) cung cấp cho Trần Hưng Đạo lịch con nước lên xuống. Ông Lủi, bà Lủi tham gia làm liên lạc. Nhân dân Lưu Kỳ, Lưu Kiếm, Trúc Động giúp Trần Hưng Đạo xây dựng trận địa mai phục. Mai Đình Nghiễm cùng dân chúng tham gia đóng cọc. Trần Độ, Trần Hộ (Phả Lễ), Vũ Đại (Tràng Kênh), Vũ Nguyên (Tam Hưng), Lý Hồng (Tam Hưng), Hoa Duy Thành người xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo) chỉ huy dân binh làm bè hoả công và trực tiếp chiến đấu.

Trận đánh trên ngã ba sông Đá Bạc - Mỹ Giang (sông Giá) tại Trúc Động có ý nghĩa quan trọng buộc quân Nguyên phải theo dòng Bạch Đằng tháo chạy ra biển và sa vào trận địa mai phục của ta đúng lúc thủy triều đang rút mạnh. Thuyền địch vấp phải cọc nhọn, bị vỡ, bị bè hoả công đốt cháy. Quân ta dùng thuyền nhẹ xông ra đánh. Toàn bộ thủy quân giặc bị tiêu diệt. Tướng Ô Mã Nhi bị Nội minh tự Đỗ Hành (quê ở Tràng Kênh) bắt sống.

Đầu thế kỷ XV, trong các cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Minh, vùng Hải Phòng lại được các thủ lĩnh Nguyễn Sư Cối, Đỗ Nguyên Thố, Phạm Ngọc, Lê Ngà chọn làm căn cứ kháng chiến. Dựa vào thế chiến lược có núi, có rừng, sông ngòi, đầm lầy và biển cả, nghĩa quân đã làm cho kẻ thù chịu nhiều tổn thất nặng nề. Những cuộc khởi nghĩa này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo.

Từ thế kỷ XVI, trước sự suy đồi của chế độ phong kiến, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra ở khắp nơi. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo (1518-1522) ở Thủy Nguyên, Nguyễn Hữu Cầu, tức Quận He (1741-1751), Phan Bá Vành (1821-1827). Hai cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Phan Bá Vành đều lấy Đồ Sơn, núi Voi làm căn cứ. Dựa vào thế núi rừng, sông biển, nghĩa quân đã nhiều lần đánh tan các cuộc tiến công của quân đội triều đình. Các cuộc khởi nghĩa này đã làm nghiêng ngả triều đình phong kiến lúc bấy giờ.

Từ năm 1856, trước khi nổ súng xâm lược nước ta, tàu chiến Pháp đã tiến hành thám sát vịnh Hạ Long và vùng cửa biển Hải Phòng. Ngày 30/10/1872, chiến hạm Pháp, do Sơnê chỉ huy, tự tiện bỏ neo ở cửa Cấm, để tìm đường thâm nhập vào vùng đồng bằng Bắc kỳ theo các dòng sông. Ngày 08/11/1872, tên thực dân kiêm lái buôn, Giăng Đuypuy đưa 2 pháo hạm, tàu kéo và một thuyền buồm lớn chở súng đạn đến vùng Ninh Hải bắt liên lạc với Sơnê để tìm cách xâm nhập vào nội địa. Tiếp theo, hai lần quân Pháp dùng thuyền chiến theo sông Cấm vào sông Hồng đánh chiếm thành Hà Nội.

Ngày 23/10/1873, quân Pháp đánh chiếm vùng Ninh Hải. Trước sức ép của người Pháp, ngày 15/3/1874, triều đình Huế ký Hòa ước (còn gọi là Hòa ước Giáp Tuất), cho phép người Pháp lập khu tô giới (nhượng địa) ở gần bến Ninh Hải. Sau đó, nhà Nguyễn lại ký Thương ước chính thức mở cửa Ninh Hải để thương nhân Pháp và các nước tự do ra vào buôn bán.  Năm 1875, Pháp cho xây dựng trụ sở Lãnh sự, xây 2 đồn binh, pháo đài bên sông Tam Bạc để bảo vệ khu tô giới và thu thuế tàu thuyền ra vào bến (sau này chúng xây thêm các pháo đài ở đảo Cát Bà, Đồ Sơn và khu vực Vạn Mỹ.

Trước yêu cầu của công cuộc khai thác thuộc địa, ngày 11/9/1887, tỉnh Hải Phòng được thành lập trên cơ sở cắt các phủ, huyện An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên của tỉnh Hải Dương. Tỉnh lỵ đặt tại Ninh Hải. Một năm sau, ngày 19/7/1888, thành phố Hải Phòng thuộc tỉnh Hải Phòng được thành lập. Ngày 31/8/1889, thành phố Hải Phòng tách khỏi tỉnh Hải Phòng. Tỉnh lỵ Hải Phòng chuyển sang Phủ Liễn mang tên tỉnh Phù Liễn, sau đổi là tỉnh Kiến An. Thành phố Hải Phòng nhượng địa và tỉnh Kiến An thuộc địa trở thành những đơn vị hành chính mới, có vị trí quan trọng về kinh tế, quân sự ở vùng Bắc Đông Dương thuộc Pháp.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đẩy mạnh việc “Bình định” Bắc kỳ và tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, nhưng những cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta vẫn liên tiếp nổ ra. Tiêu biểu là cuộc kháng chiến do các thủ lĩnh Đốc Tít, Tiền Đức lãnh đạo (1882-1889). Các ông đã dựa vào núi rừng hiểm trở, có sông, biển bao bọc ở Trại Sơn, Thủy Nguyên và đảo Cát Bà để lập căn cứ. Thực dân Pháp phải dùng thủ đoạn ký kết “Hòa bình” rồi bất ngờ tiến công. Đốc Tít chấp nhận để địch bắt nhằm bảo toàn tính mạng cho các nghĩa quân. Thủ lĩnh Tiền Đức xây dựng căn cứ trên đảo Cát Bà để tiếp tục kháng chiến. Năm 1897 đến 1898, nghĩa quân của Mạc Đĩnh Phúc hoạt động mạnh ở ngoại thành, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa này đều bị đàn áp, song đã thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của người Hải Phòng.

 

[1] Võ Nguyên Giáp - Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H, 1975, tập 2, trang 251.

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com