II. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HẢI PHÒNG- KIẾN AN HÌNH THÀNH LÀM NÒNG CỐT CHO TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Từ cuối thế kỷ XIX, vùng đất Ninh Hải được đô thị hoá, dần trở thành thành phố Hải Phòng có hải cảng, cửa khẩu giao lưu quốc tế, trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc kỳ. Hải Phòng cũng là điểm hội cư lớn, hình thành đội ngũ lao động đông đảo, trở thành một trong những cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam. Cùng với quá trình ấy, thợ thuyền, lao động không ngừng đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của Tư bản, thực dân Pháp. Hải Phòng trở thành trung tâm phong trào cách mạng, đóng góp rất quan trọng vào quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc, Hải Phòng giữ một vị thế mới. Những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Hải Phòng, Sài Gòn làm “Đầu cầu” để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam. Người xây dựng một đường dây giao thông liên lạc trên các tàu biển chạy tuyến Pháp-Việt Nam và Hải Phòng-Quảng Châu-Hồng Kông-Thượng Hải (Trung Quốc). Tài liệu, sách báo cách mạng được các thủy thủ bí mật đưa về cảng Hải Phòng và Sài Gòn. Hàng trăm thanh niên theo các tàu biển qua cảng sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở rồi trở về nước xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Các hội viên tích cực vào nhà máy, bến cảng, xóm thợ để tuyên truyền cách mạng. Qua đó, phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Cuối năm 1928, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc kỳ chọn Hải Phòng, trung tâm công nghiệp, cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam, là địa bàn “Vô sản hoá” để rèn luyện bản thân và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Trước yêu cầu phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, tháng 3 năm 1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập.
Ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, xác định để giải phóng dân tộc, con đường của cách mạng Việt Nam phải là con đường bạo lực cách mạng, trong đó phải: “Tổ chức ra đội quân công nông”.
Quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, ngay từ khi ra đời (tháng 4 năm 1930), Đảng bộ Hải Phòng đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng vũ trang bí mật, bảo vệ và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của thợ thuyền thành phố. Các cơ quan Tỉnh ủy và của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc kỳ đóng trên địa bàn Hải Phòng đã lập các tổ Tự vệ bí mật. Tỉnh ủy chỉ đạo chi bộ Đảng, Công hội đỏ của một số nhà máy, xí nghiệp thành lập đội Xích vệ (tự vệ đỏ). Từ đó, các đội Xích vệ lần lượt được thành lập trong công nhân Cảng, nhà máy xi măng, cơ khí Carông. Thành phần của đội gồm những đảng viên và hội viên Công hội đỏ, thanh niên công nhân hăng hái, đã được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh. Đây là lực lượng bán vũ trang cách mạng đầu tiên ở thành phố, có nhiệm vụ bảo vệ các cuộc đình công, biểu tình, tuyên truyền xung phong, treo cờ, rải truyền đơn... Nhiều cuộc diễn thuyết xung phong của các chiến sĩ Cộng sản được tiến hành ngay trước mắt bọn cảnh sát, mật thám nhưng vẫn được các đội viên Xích vệ bảo vệ an toàn. Đây là cơ sở cho sự hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng sau này.
Cao trào cách mạng 1930-1931 bị địch khủng bố. Ở Hải Phòng, do sự phản bội của Nghiêm Thượng Biền, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ (đóng tại Hải Phòng), hầu hết đảng viên bị địch bắt, cơ quan Thành ủy và các chi bộ bị phá vỡ. Khi cảnh binh Pháp đến vây những nơi cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy, các chiến sĩ tự vệ đã anh dũng chiến đấu hy sinh. Phong trào cách mạng nước ta bước vào thời kỳ khó khăn. Đội Xích vệ ở các nhà máy, xí nghiệp và cảng cũng tạm ngừng hoạt động.
Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất ra nghị quyết chuyên đề về “Đội tự vệ”, nhằm tổng kết kinh nghiệm và hướng dẫn, lãnh đạo lực lượng tự vệ. Nghị quyết đề cập nội dung hoạt động của đội tự vệ, mục đích là:
Ủng hộ quần chúng hàng ngày.
Ủng hộ quần chúng trong các cuộc đấu tranh.
Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng. Chống quân từ giai cấp tiến công và làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi.
Về mặt tổ chức, Nghị quyết nêu: “Đội tự vệ, hễ có cách mạng vận động dù yếu mấy cũng có thể và cần phải tổ chức ngay. Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến tranh, vũ trang bạo động”.
Từ năm 1936, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp đã thực hiện một số quyền dân chủ ở thuộc địa: thả tù chính trị, tự do lập hội, ngôn luận. Tranh thủ thời cơ thuận lợi đó, Đảng ta chủ trương đưa một bộ phận ra hoạt động công khai, kết hợp hình thức công khai, bán công khai và bí mật để tuyên truyền đường lối cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tập hợp quần chúng, phát động phong trào chống chiến tranh, đòi tự do - dân chủ; cơm áo-hoà bình. Ở Hải Phòng, phong trào cách mạng nổ ra rầm rộ, thu được nhiều kết quả. Tháng 4/1937, Thành ủy Hải Phòng được khôi phục. Trong điều kiện tình hình thực tế có nhiều đổi mới, nên Thành ủy chưa đặt ra vấn đề tổ chức lực lượng bán vũ trang. Nhưng các cơ sở Đảng vẫn lập các tổ tự vệ, gồm những anh em có tinh thần yêu nước, để bảo vệ các cuộc bãi công, biểu tình, mít tinh, diễn thuyết. Tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân Máy Tơ từ ngày 16 đến ngày 24 tháng 5 năm 1939; cuộc đấu tranh chống thuế đèn (điện), thuế nước ngày 30 tháng 5 năm 1939, do đồng chí Tô Hiệu - Bí thư Thành ủy trực tiếp lãnh đạo đã được anh em tự vệ bảo vệ có hiệu quả.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (ngày 01/9/1939), chính quyền thực dân đẩy mạnh khủng bố, bắt bớ, đàn áp những người yêu nước. Trước tình hình đó, Thành ủy chủ trương xây dựng tự vệ bí mật. Chi bộ Đảng trong các nhà máy, bến cảng khôi phục lại đội Xích vệ, cử đảng viên trực tiếp phụ trách và làm nòng cốt. Trong các cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công, Tự vệ đỏ bí mật bảo vệ người diễn thuyết, ngăn chặn bọn chỉ điểm, chống bọn mật thám, binh lính địch đến đàn áp. Năm 1940, Thành ủy phân công đồng chí Đặng Văn Minh (Trần Kiên) tiến hành xây dựng đội Tự vệ của thành phố. Đồng chí đã chọn gần hai mươi đảng viên và thanh niên trung kiên ở một số nhà máy để lập thành đội tự vệ. Công việc mới bắt đầu thì đồng chí bị địch bắt. Việc lập tự vệ không thành. Tuy nhiên, các đội Xích vệ, tự vệ ở các nhà máy vẫn được duy trì. Lực lượng này đều đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, có các đảng viên tham gia, được tổ chức tinh gọn, hoạt động có hiệu quả.
Ngày 26/9/1940, quân Nhật đổ bộ vào Hải Phòng, Kiến An. Thực dân Pháp đầu hàng. Quân Nhật chiếm giữ các vị trí trọng yếu và cơ sở kinh tế lớn trong thành phố. Nhật - Pháp cấu kết với nhau khủng bố phong trào cách mạng, vơ vét của cải phục vụ cho chiến tranh. Cơ quan Thành ủy và tổ chức Đảng ở nội thành Hải Phòng liên tục bị địch phá. Xứ ủy Bắc kỳ chủ trương đưa cán bộ về phụ trách và chuyển trọng tâm hoạt động ra vùng nông thôn tỉnh Kiến An. Từ giữa năm 1942, dưới sự chỉ đạo của mặt trận Việt Minh, lực lượng tự vệ được thành lập và hoạt động mạnh ở nhiều nơi như ở Kim Sơn, Kính Trực (Kiến Thuỵ); Câu Trung, Mỹ Đức (An Lão); Cương Nha, Ngọc Động, Yên, Kim, Kỳ (Tiên Lãng); Pháp Cổ, Phi Liệt, Dưỡng Động, Phục Lễ, Kinh Triều (Thủy Nguyên)...
Cuối tháng 3/1943, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Việt Minh tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng họp tại núi Đấu (Kiến An) bàn triển khai nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương và chủ trương: đẩy mạnh phát triển Việt Minh, củng cố cơ sở Đảng, nhất là cơ sở trong công nhân, tranh thủ phân hoá kẻ thù, bí mật xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang, phối hợp hoạt động giữa hai địa bàn thành phố và nông thôn để hỗ trợ nhau. Chủ trương trên được triển khai, nhiều địa phương cử cán bộ đi học các lớp quân sự do Trung ương mở. Khi trở về các đồng chí này đã tập trung xây dựng, phát triển tự vệ vũ trang. Làng xã nào có phong trào Việt Minh mạnh thì ở đó có tự vệ. Nhiều nơi tự vệ luyện tập công khai, trực tiếp ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của chính quyền tay sai.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 09/3/1945), Ban lãnh đạo Việt Minh Hải Phòng, Kiến An chỉ đạo các địa phương thành lập các Đội vũ trang tuyên truyền xung phong. Tháng 4/1945, tại Trại Lẻ, làng Dư Hàng, Hội nghị cán bộ Hải Phòng và Kiến An họp bàn triển khai Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Hội nghị quyết định: Phát động phong trào mua sắm vũ khí; mở rộng và phát triển các đội tự vệ cứu quốc; chống Nhật bắt lính, thu thóc, thu thuế; mở rộng các hình thức đấu tranh, trừng trị những tên đầu sỏ làm tay sai cho Nhật.
Trên cơ sở lực lượng chính trị quần chúng phát triển mạnh, lực lượng bán vũ trang được hình thành ở khắp các làng, xã, khu phố, nhà máy, xí nghiệp. Ở nội thành, các đội tự vệ bí mật trong công nhân được thành lập, ở các nhà máy Xi măng, Hỏa xa, Carông và các khu Thượng Lý, Lạc Viên... Ở vùng nông thôn Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Dương, Hải An, Cát Bà, Cát Hải, các Đội tự vệ cứu quốc được tăng cường. Các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão đã tổ chức được lực lượng tự vệ tập trung khá mạnh, có từ 2 đến 3 trung đội. Đội vũ trang Tuyên truyền xung phong của tỉnh Kiến An, do đồng chí Trần Các, Trần Viết Diệu (An Ngảnh) phụ trách, mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh với phương châm “Chính trị trọng hơn quân sự”. Đội đã công khai diễn thuyết, kêu gọi nhân dân hưởng ứng lời hiệu triệu của Mặt trận ở chợ Quế Lâm, Tác Giang, làng Lão Phong (Kiến Thụy); chợ Đôi, chợ Vượn, Việt Minh, cùng nhau đứng lên chống lại ách áp bức của thực dân, phong kiến chợ Chùa, chợ Đầm (Tiên Lãng); vùng Thượng huyện, Hà Phú, chợ Tổng (Thủy Nguyên)... nhiều lần Đội đã biến hội nghị của tổ chức Thanh niên Đại Việt do Nhật lập ra ở trường học Cổ Trai (Kiến Thuỵ), trường Kiêm bị (Tiên Lãng), trường Tiểu học Đồng Giới (An Dương)... thành diễn đàn vạch tội ác và thủ đoạn lừa bịp của phát-xít Nhật. Ở một số nơi, Đội tiến hành cảnh cáo, trừng trị những tên tay sai cho địch có nợ máu với nhân dân. Tại các huyện, Việt Minh trực tiếp chỉ đạo tự vệ đẩy mạnh hoạt động, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh không cho chức dịch làng xã thu thuế cho Nhật; phá kho thóc giải quyết nạn đói, quyên góp gạo nấu cháo cứu đói, tước khí giới của địch. Ngày 11/7/1945, tự vệ Kiến Thụy tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng. Tự vệ Thượng huyện Thủy Nguyên, có sự hỗ trợ của giải phóng quân Chiến khu Đông Triều, đột nhập tước vũ khí của binh lính tại huyện đường. Tự vệ Hải Phòng triển khai kế hoạch đối phó nếu tàn quân Pháp âm mưu đổ bộ vào thành phố khi Nhật đầu hàng. Tự vệ công nhân Hoả Xa (ga Hải Phòng) bao vây, tước vũ khí của quân Pháp và làm chủ nhà ga. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu chống Nhật khủng bố, bảo vệ chính quyền cách mạng Kim Sơn, của tự vệ và nhân dân Kiến Thuỵ.
Ngày 12/7/1945, chính quyền cách mạng lâm thời làng Kim Sơn được thành lập. Ngày 04//8/1945, Nhật đưa quân về khủng bố. Đoán trước được âm mưu của địch, Ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh và huyện đã bố trí lực lượng tự vệ triển khai các phương án sẵn sàng chiến đấu. Giặc Nhật chia làm hai mũi tiến vào Kim Sơn. Du kích và nhân dân Kiến Thụy, có du kích của một số xã thuộc huyện Tiên Lãng tiếp sức, đã anh dũng chiến đấu buộc quân Nhật phải rút lui. Trên đường rút quân, chúng còn bị du kích ta chặn đánh ở Nhân Trai, Xâm Linh, Cổ Trai, Xuân La, Cống Đôi, Cầu Đen. Sự kiện thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng làng Kim Sơn và chiến đấu chống Nhật khủng bố thắng lợi đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng địa phương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Từ giữa tháng 8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền liên tiếp nổ ra tại các làng, xã, huyện tiến tới Tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh và thành phố. Tự vệ là lực lượng nòng cốt cho toàn dân nổi dậy giành chính quyền. Du kích Kiến Thuỵ xuất phát từ Kim Sơn, vượt đêm tối, mưa to để sáng sớm ngày 15 tháng 8 đột nhập chiếm phủ đường. Du kích Tiên Lãng, có sự hỗ trợ của du kích Kiến Thuỵ, kéo về huyện lỵ giành chính quyền (ngày 16 tháng 8). Đêm 16 rạng 17/8/1945, du kích Câu Trung (An Lão) đột nhập tước vũ khí của lính bảo an làm chủ huyện đường. Ngày hôm sau, một tiểu đội vượt sông sang tịch thu khí giới của lính lệ ở huyện đường An Dương. Ngày 21/8/1945, du kích Lương Khê, Cam Lộ, An Lạc hỗ trợ quần chúng mít tinh, lập chính quyền cách mạng của huyện. Việt Minh và du kích Vĩnh Bảo chia làm 2 mũi về chiếm huyện đường, giành chính quyền (ngày 20/8/1945). Sáng ngày 21 tháng 8, Việt Minh huyện An Lão lãnh đạo du kích, quần chúng trung kiên chia thành 3 mũi tiến về tỉnh lỵ Kiến An, phối hợp với nhân mối, tước vũ khí của binh lính địch ở trại Bảo An binh, thu 62 khẩu súng, chiếm Bưu điện, cắt đường dây liên lạc, đột nhập dinh Tỉnh trưởng, thu con dấu và giấy tờ cần thiết rồi rút về căn cứ. Ngày hôm sau, Ban khởi nghĩa tỉnh huy động lực lượng du kích huyện Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, An Dương tiến về tỉnh lỵ giành chính quyền. Chiều hôm đó, đông đảo du kích và quần chúng tuần hành, biểu dương lực lượng trên các đường phố.
Trong những ngày này, Thành bộ Việt Minh Hải Phòng lãnh đạo nhân dân thành phố khẩn trương chuẩn bị cho khởi nghĩa. Tại các nhà máy, công nhân tự rèn sắm, trang bị vũ khí. Ủy ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ cho tự vệ tước khí giới địch ở nhà Đoan và Sở Mật thám để thăm dò thái độ của quân đội Nhật. Cuộc thương nghị giữa cán bộ Việt Minh với Thị trưởng thành phố, với đại diện quân Nhật diễn ra thuận lợi. Viên chỉ huy quân Nhật cam kết không dùng vũ lực gây trở ngại trong ngày khởi nghĩa. Sáng ngày 23 tháng 8, lực lượng vũ trang Chiến khu Đông Triều cùng đông đảo nhân dân, tự vệ các huyện của tỉnh Kiến An và Hải Phòng kéo về quảng trường Nhà hát thành phố mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền. Các chiến sĩ Chiến khu Đông Triều, tự vệ thành phố, tự vệ tỉnh Kiến An nai nịt gọn gàng, hàng ngũ chỉnh tề xếp thành từng khối trên Quảng trường. Đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ. Ủy ban cách mạng lâm thời thành phố ra mắt trong tiếng hò reo vang dậy của dân chúng. Sau đó, tự vệ và nhân dân diễu hành biểu dương lực lượng trên các đường phố lớn, toả đi chiếm giữ các vị trí quan trọng: Toà Thị chính, nhà Ga, Sở Hiến binh, Ty Liêm phóng, Bưu điện, nhà Băng, nhà máy Điện, nhà máy Xi măng, Cảng; phá các trại giam, thả tù chính trị.
Trong vòng một tuần lễ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, tự vệ các địa phương đã hỗ trợ quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi từ thành phố, tỉnh đến các huyện, làng xã. Ủy ban Cách mạng lâm thời các cấp đều có một ủy viên phụ trách quân sự, đó là một vị trí quan trọng, có nhiệm vụ hết sức nặng nề là xây dựng lực lượng vũ trang, trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và chế độ mới.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật (1930-1945), Đảng bộ Hải Phòng, Kiến An luôn coi trọng xây dựng lực lượng bán vũ trang nhằm hỗ trợ phong trào đấu tranh, xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng. Từ các đội Xích vệ, tự vệ cứu quốc được tổ chức gọn, bí mật tiến tới lực lượng tự vệ được trang bị vũ khí, từng bước hoạt động công khai, là một quá trình phát triển dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Tự vệ vũ trang là một lực lượng cách mạng, đấu tranh vũ trang là một phương thức tiến hành cách mạng, được kết hợp chặt chẽ với lực lượng chính trị quần chúng để làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Những kết quả đã đạt được trong 15 năm vận động cách mạng là cơ sở cho việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương Hải Phòng sau này.