70 năm chiến thắng Cát Bi rực lửa, có ý nghĩa quan trọng, tạo nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng đóng góp cho chiến thắng này có cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy, nay là phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh), nơi tập kết, che giấu, bảo vệ và đưa bộ đội vượt sông Lạch Tray, tập kích sân bay Cát Bi.
Ông Bùi Duy Tư, nguyên Bí thư Đảng ủy Hòa Nghĩa (giai đoạn 1988-2016), từng trực tiếp thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, biên soạn cuốn lịch sử đảng đầu tiên của Đảng bộ xã Hòa Nghĩa, xuất bản năm 2001. Với ông Bùi Duy Tư, từ những thông tin của nhân chứng càng cho ông thêm hiểu, trân trọng và biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông để giành độc lập cho dân tộc.
Bước vào năm 1953, ta giành thắng lợi lớn trên chiến trường chính, lực lượng vũ trang đủ sức mở những trận tấn công lớn. Trận chiến sân bay Cát Bi được xác định cắt đứt đầu cầu hàng không, tiếp tế của địch với cứ điểm Điện Biên Phủ. Với chủ trương sử dụng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, hành động bí mật, bất ngờ đột nhập sân bay, đánh nhanh, rút nhanh bảo toàn lực lượng - Tỉnh ủy Kiến An, Huyện ủy Kiến Thụy lựa chọn Hoà Nghĩa làm điểm tập kết trước khi bộ đội vượt sông Lạch Tray đánh sân bay Cát Bi. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của sân bay Cát Bi, thực dân Pháp xác định đây phải là căn cứ không quân “bất khả xâm phạm”, tăng cường lập đồn bốt phòng thủ từ xa. Địch xác định Hòa Nghĩa nằm trong vành đai phong tỏa để bảo vệ sân bay Cát Bi, nên thường xuyên càn quét ác liệt. Quân địch chiếm đóng, xây dựng nhiều đồn bốt trên tuyến đường 14. Riêng ở Hoà Nghĩa, địch lập 1 đồn Tây, thường xuyên càn quét. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân Hòa Nghĩa anh dũng hy sinh, trong đó đồng chí Lê Văn Hồng, Bí thư chi bộ xã Hòa Nghĩa hy sinh khi bị địch phục kích. Do đó, Huyện ủy Kiến Thụy bố trí đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết về Hòa Nghĩa làm bí thư, tiếp tục chỉ đạo phong trào, chuẩn bị trận đánh. Đồng chí Đỗ Quốc Hùng, Chủ tịch Ủy ban khu hành chính, kiêm xã đội trưởng Hòa Nghĩa được chi bộ giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch đánh sân bay.

Thanh niên quận Dương Kinh hăng hái lên đường bảo vệ Tổ Quốc
Ngoài chuẩn bị vật chất, che giấu bộ đội, Huyện ủy Kiến Thụy chỉ đạo chi bộ Hòa Nghĩa vận động, giao đội thuyền đánh cá của người dân làng Thủy Giang, xã Hòa Nghĩa (nay là tổ dân phố Thủy Giang, phường Hải Thành) làm nhiệm vụ chở bộ đội trinh sát, tiếp cận sân bay, điều tra nắm tình hình thực địa sân bay, nơi bố trí kho xăng, doanh trại binh lính... Ông Đỗ Văn Lạc, Tổ trưởng Tổ dân phố Thủy Giang kể lại: Bố ông là đội viên Đỗ Văn Lực và anh trai Đỗ Văn Kha, cùng một số đội viên khác như Trần Văn Thăng, Trần Văn Bính, đều là những tay chèo giỏi, giàu kinh nghiệm đi biển, được giao nhiệm vụ chở bộ đội qua sông. Đêm 6-3-1954, đội thuyền được ngụy trang kín đáo, bảo đảm bí mật, an toàn chở cán bộ chiến sĩ lên đường chiến đấu. 32 cán bộ chiến sĩ dưới sự che chở của nhân dân Hoà Nghĩa đã vượt sông Lạch Tray an toàn, đột nhập sân bay Cát Bi.
Một giờ sáng ngày 7-3-1954, tiếng bộc phá nổ vang phi trường, toàn bộ sân bay Cát Bi bốc cháy, chìm trong biển lửa, 59 máy bay bị phá hủy. Bộ đội ta nhanh chóng xuống thuyền rút về hậu cứ an toàn, bảo toàn lực lượng. Người dân Hoà Nghĩa lại làm nhiệm vụ đón bộ đội đưa về hậu cứ an toàn. Sau khi sân bay Cát Bi bị tập kích, 5 giờ sáng cùng ngày, địch điều quân về Hoà Nghĩa càn quét, tìm, bắt bộ đội. Địch nổ mìn, đốt phá 63 nhà dân, bắt người dân trong các làng ra tập trung để đánh đập, tra khảo nhưng người dân Hòa Nghĩa gan dạ, cương quyết không khai; ngay tại làng Thủy Giang, địch khám xét, phát hiện vết máu còn dính ở mạn thuyền nên đã bắt 2 đội viên Trần Văn Thăng, Trần Văn Bính. Người dân tổ chức đấu tranh chống bắt bớ. Địch không khai thác được gì nên đành rút lui.
Ông Bùi Duy Tư kể lại: Năm 2001, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hòa Nghĩa vinh dự đón nhận danh hiệu tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời điểm đó, đoàn cán bộ xã Hòa Nghĩa bố trí tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đi từ sáng sớm, nhưng khi tới nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có 7, 8 đoàn khách cũng đang chờ gặp. Thế nhưng, khi biết thông tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “ưu tiên” tiếp, gặp mặt đoàn cán bộ xã Hòa Nghĩa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với đoàn là nhớ đến chiến thắng Cát Bi thì phải nhắc tới địa danh Hòa Nghĩa, nơi tập kết của bộ đội trước khi tập kích vào sân bay. Ông Bùi Duy Tư cho biết thêm, trong lần làm việc với Viện lịch sử Quân đội và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Tổng Bí thư Đỗ Mười ghi nhận sự đóng góp của nhân dân Hòa Nghĩa, “nếu không có những tấm lòng muôn lần quý hơn vàng, trong như pha lê ấy thì không thể có chiến thắng Cát Bi”./.
Hoàng Minh