Từ nhiều đời nay, huyện Vĩnh Bảo đã trở thành vùng đất nổi tiếng cả nước bởi truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nổi tiếng đến mức, nhiều người gọi đó là một thứ “đặc sản” của miền quê Vĩnh Bảo, được người dân nơi đây trân trọng, tự hào.
Quả là như vậy, người Vĩnh Bảo tự hào về những đại diện tiêu biểu đã làm rạng danh quê cha đất tổ. Đó là các danh sĩ đỗ đạt cao thời kỳ Phong Kiến: Dương Đức Nhan quê xã Cộng Hiền, Phạm Đức Khản, Đào Công Chính, Nguyễn Duy Tiếu xã Cao Minh, Trần Lương Bật, Trần Công Hân xã Cổ Am, Đào Văn Hiển, xã Dũng Tiến… Nhiều danh sĩ xuất thân từ Vĩnh Bảo đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước. Cụ Dương Đức Nhan làm đến chức Hữu thị lang bộ Hình, cụ Đào Công Chính – Tả thị lang bộ Lại, cụ Trần Công Hân người có công dẹp giặc, tử trận, được truy phong Đông các đại học sỹ, Cụ Trần Công Bật, sau khi mất được truy phong Tả thị lang bộ Binh, Cụ Đào Văn Hiển - Thượng thư Bộ Hình thời vua Lê Thánh Tông, là một trong những người có công lớn giúp nhà vua xây dựng nên bộ luật Hồng Đức nổi tiếng – một dấu son không thể phai mờ trong lịch sử lập pháp Việt Nam. Đặc biệt ở thế kỷ XVI, danh nhân văn hóa trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi bật lên một biểu tượng rực rỡ của sự học và sự thành đạt. Để rồi từ đây, truyền thống hiếu học của vĩnh Bảo vinh dự mang tên truyền thống hiếu học của quê hương Trạng Trình.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào bình dân học vụ là một điểm sáng rực rỡ của Vĩnh Bảo. Sự đồng lòng của người dân Vĩnh Bảo hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là sự thể hiện sự quyết tâm, tuyên chiến với giặc dốt, một thứ giặc mà sự nguy hiểm của nó không hề thua kém giặc đói và giặc ngoại xâm. Giai đoạn đầu phát triển hệ thống giáo dục quốc dân, cả huyện chỉ mới xây dựng được một số điểm trường cấp II tại trung tâm huyện và một số nơi như Cổ Am, Hòa Bình nhưng đã quy tụ được rất đông học sinh. Đặc biệt là học sinh nơi xa, như Dũng Tiến, Vĩnh An, Việt Tiến, Thắng Thủy, Tiền Phong, Vĩnh Phong. Cha mẹ học sinh vẫn không nề hà khi gửi con trọ học. Vì thế, sự học của quê hương Vĩnh Bảo ngày càng được mở mang. Đội ngũ trí thức, học hành thành tài xuất thân từ quê hương Vĩnh Bảo ngày càng nhiều. Theo thống kê, người Vĩnh Bảo hiện nay có hàng trăm giáo sư, phó giáo sư; nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú; thầy thuốc ưu tú... họ là những chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, văn hoá - văn nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế,... đã và đang đóng góp quan trọng đối với quê hương, đất nước.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện tặng hoa cho các nghệ nhân thư pháp trong Lễ khai bút đầu xuân năm 2023
Truyền thống hiếu học ấy như suối nguồn mát lành nuôi dưỡng tinh thần, nghị lực của những con người con nơi vùng đất ngoại thành, đã nở hoa làm rạng danh truyền thống quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước hết, trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hàng năm, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Tam Cường luôn đứng trong tốp đầu thành phố. Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học, nhiều học sinh của Vĩnh Bảo đỗ thủ khoa, á khoa.

Em Phạm Vân Anh - Thủ khoa toàn quốc khối D01 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Trong mạch chảy truyền thống “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, quê hương của Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, các thế hệ người Vĩnh Bảo hôm nay vẫn đang viết tiếp nhiều sự tích về “nghề học”, về sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, bởi đó là “đòn xeo” thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Phát huy truyền thống hiếu học trên quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã chú trọng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Nhờ sự quan tâm, đầu tư đúng, đủ và kịp thời cả về vật chất, tinh thần trên công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào thi đau học tập của huyện Vĩnh Bảo rất sôi nổi, đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển. Hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng được “Quỹ khuyến học xã”. Các xã: Cổ Am, Hòa Bình, Liên Am, Trung Lập, Nhân Hòa, thị trấn Vĩnh Bảo… đều có Quỹ khuyến học lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ có huyện và xã mà các làng văn hóa, các dòng họ đều có quỹ khuyến học với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Đến với Vĩnh Bảo hôm nay, chúng ta được chứng kiến và dõi theo một huyện ngoại thành đang chuyển mình mạnh mẽ với hệ thống đường giao thông ngày càng mở rộng, nhiều khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí được mở ra, Thị trấn Vĩnh Bảo đã mang dáng dấp của một khu đô thị mới trên con đường phát triển. Nơi mảnh đất ấy có những người nông dân, cần cù, chịu khó, chắt chiu, ươm mầm, nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, ước mơ cho những người con lớn khôn, trưởng thành và tỏa ra muôn phương, trong ngoài nước, tham gia vào nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ý tế, quốc phòng, an ninh; rất nhiều người đã thành đạt, giữ những chức vụ quan trong trọng thành phố và cả nước, tiêu biểu như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nguyên là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Những người con Vĩnh Bảo ấy, đã và đang có nhiều đóng góp trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước, làm rạng danh truyền tốt đẹp của quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm!
Đoàn Văn Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện