Kỷ niệm 70 chống càn thắng lợi - Đổi thay trên quê hương Tiên Lãng anh hùng

Cập nhật: 28/08/2023 16:19

Huyện Tiên Lãng xưa có tên gọi là Tân Minh, do vua Lê Thánh Tông đặt vào năm 1469, đến đời vua Thành Thái nhà Nguyễn đổi thành Tiên Lãng. Theo phiên âm Hán Việt, Tiên Lãng vừa có nghĩa là nơi đón ánh sáng bình minh trước tiên, vừa là nơi đầu sóng. Với truyền thống văn vật phong phú, đa dạng, thời phong kiến, Tiên Lãng có 11 vị đỗ đại khoa, là quê ngoại của danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phát huy bản tính bộc trực, hào sảng đặc trưng của con người miền sông nước, bao thế hệ người dân Tiên Lãng đã kiên cường, bản lĩnh, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, lớp lớp người con quê hương Tiên Lãng trung hậu, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, giành lại độc lập tự do. Được thành lập ngày 15/02/1946, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân Tiên Lãng đã lập được nhiều chiến công vẻ vang, phá tan hàng trăm trận đánh của quân giặc, trong đó, đỉnh cao là trận phá càn Cờ lốt (quả chuông) tháng 8/1953.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khu du kích Tiên Lãng là cửa ngõ phía Tây Nam của liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An, không chỉ là nơi cung cấp sức người, sức của mà còn là hậu phương vững chắc, nơi xuất phát của các đơn vị bộ đội với những chiến thắng vang dội. Thực hiện âm mưu giành giật đồng bằng Bắc bộ, bình định các khu du kích của ta, thực dân Pháp đã hơn 70 lần càn quét, đánh phá các cơ sở, địa bàn cách mạng ở huyện Tiên Lãng. Quân dân toàn huyện đánh bại nhiều trận càn quét của địch, tiêu biểu như trận phá càn ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tý của quân và dân xã Hùng Thắng, trận phá càn ngày 28 tháng Giêng năm Mậu Tý của quân và dân xã Khởi Nghĩa. Đây là những chiến công mở đầu tạo nên truyền thống anh dũng chống càn của quân và dân Tiên Lãng.

Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, quân và dân Tiên Lãng đã chiến đấu 1342 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương, bắt sống hơn 5500 tên địch. Và chiến công oanh liệt, xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất là chiến công đập tan trận càn quy mô lớn mang tên Cờ lốt của thực dân Pháp.

 Với âm mưu tiêu diệt lực lượng bộ đội, du kích, triệt phá nơi cung cấp sức người sức của cho cuộc kháng chiến, ngày 28/8/1953, thực dân Pháp huy động 2 binh đoàn cơ động chiến lược số 3 và số 5 cùng các đơn vị phối thuộc, 50 xe lội nước, 12 tàu chiến, 30 ca nô, 40 khẩu trọng pháo và nhiều máy bay yểm trợ... chia làm 5 mũi ồ ạt tấn công vào huyện Tiên Lãng.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ, Ban Chỉ đạo chống càn, lực lượng của ta gồm cán bộ chiến sĩ Đại đội 295, 196, 331 cùng hàng vạn dân quân du kích. Vũ khí chủ yếu là chông, mìn, lựu đạn, đạp lôi và súng bộ binh.

Tiên Lãng những ngày chống càn năm 1953, khắp các đường ngang ngõ hẻm, trong nhà ngoài sân đâu đâu cũng có bom mìn, cả Tiên Lãng biến thành rừng chông, mìn, đạp lôi dày đặc. Từ nam đến nữ, từ cụ già đến em nhỏ đều tích cực tham gia dân quân du kích, vót chông, đào hầm, làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ... Giặc Pháp càn quét đến đâu cũng sục sạo, lật hầm, bắn giết, đốt phá dã man. Có nơi địch chôn sống nhiều người cùng một hố.

Trong thế trận chênh lệch về cả vũ khí, nhân lực, vật lực, nhưng lực lượng vũ trang huyện, dân quân du kích cùng các đơn vị bộ đội phối hợp chặt chẽ sử dụng hiệu quả nhiều loại vũ khí, mưu trí, linh hoạt vận dụng lối đánh du kích, kết hợp tổ chức phục kích độn thổ, tập kích quân địch.

Nhiều hiện vật về phá càn lưu giữ tại nhà truyền thống huyện 

Cả 5 cánh quân địch đi đến đâu đều bị bộ đội, du kích các xã chặn đánh quyết liệt. Giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân, đồng thời không quản ngại gian khổ, hi sinh, mất mát, quân dân ta lập nên những chiến thắng vang dội, khiến quân địch khiếp vía, kinh hồn.

Trong suốt 23 ngày đêm (từ ngày 28/8/1953 đến 20/9/1953) quân ta chiến đấu 182 trận lớn nhỏ, tiêu diệt được 667 tên địch, chủ yếu là lính Âu Phi, bắt sống nhiều tên khác, bắn cháy 3 xe lội nước, 2 ca nô, bắn trúng 2 máy bay, bắn chìm 6 ca nô, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng, địch buộc phải rút quân khỏi Tiên Lãng.

Thắng lợi của trận phá càn Cờ lốt chính là kết quả của đường lối quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng địa phương, sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của nhân dân, bộ đội và du kích. Thắng lợi này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào thắng lợi của quân và dân cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Tượng đài anh hùng thiếu niên Phạm Ngọc Đa

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với phương châm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", nhân dân Tiên Lãng thi đua lao động sản xuất, làm hậu phương cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện có 4.333 liệt sĩ, 521 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2.200 thương, bệnh binh, là một trong những địa phương số người có công nhiều nhất thành phố. Huyện Tiên Lãng và 11 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cùng 06 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Hơn 70 năm qua, phát huy truyền thống quê hương và truyền thống anh dũng phá càn thắng lợi, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn huyện tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, đánh thức tiềm năng, tạo nên sự tiến bộ, thay đổi rõ rệt. Từ một huyện nông nghiệp, đất đai chua mặn, kinh tế nhiều mặt còn yếu kém, khó khăn, đến nay, huyện Tiên Lãng là một trong những đơn vị tiêu biểu của thành phố, có bước tăng trưởng kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hệ thống chính trị ổn định, vững mạnh.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện đạt 14.240 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng đạt 12,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo duy trì phát triển toàn diện. Các nhiệm vụ công tác quân sự - quốc phòng địa phương đều hoàn thành tốt; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giữ vững. Huyện tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023 thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, đảm bảo an toàn về người, vũ khí và trang bị. Kết quả của cuộc diễn tập góp phần củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở địa phương.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, vận động nhân dân được triển khai đồng bộ các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng bộ huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng dư luận xã hội, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII); hằng năm, trung bình có 91,25% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, kết nạp 406 quần chúng ưu tú vào Đảng giai đoạn 2020 - 2023. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Cấp ủy từ huyện tới cơ sở chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, đảm bảo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thẩm quyền, mang tính giáo dục cao. Công tác dân vận có nhiều đổi mới, theo hướng thực chất, cụ thể. Toàn huyện xây dựng 98 mô hình “Dân vận khéo”; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền huyện với nhân dân nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hướng mạnh về cơ sở, luôn đoàn kết, tập hợp hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, các phong trào và cuộc vận động.

Được sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, thành phố, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ - HĐND - UBND huyện, sự cố gắng, đoàn kết của các cơ quan ban ngành đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tiên Lãng đạt nhiều thành tựu tích cực, nổi bật; diện mạo nông thôn có sự chuyển biến sâu sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. 100% các xã về đích nông thôn mới từ năm 2019. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí và được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đến nay, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với những thành tích xuất sắc đó, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiên Lãng trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Huyện Tiên Lãng ngày nay

Từ năm 2020, huyện Tiên Lãng tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 188 công trình, tổng mức đầu tư hơn 875 tỷ đồng đồng với 162 công trình nâng cấp cải tạo đồng bộ, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp các tuyến đường chiều dài hơn 98km, cùng các công trình giáo dục, văn hóa, y tế và môi trường, đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 70 công trình, các công trình còn lại ước khối lượng thi công đạt 80%. Trong năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện triển khai trên địa bàn 5 xã với 132 công trình, tổng mức đầu tư 619.184 triệu đồng.

Cùng với cả nước, huyện Tiên Lãng đã và đang phát huy tiềm năng sẵn có về đất đai, nhân lực cùng những yếu tố chính trị xã hội, sự đoàn kết, cố gắng của các tầng lớp nhân dân để dựng xây quê hương đổi mới, phát triển hơn nữa. Những ngày này về Tiên Lãng, mỗi chúng ta đều cảm nhận được khí thế vui tươi, phấn khởi của từng người dân; từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố luôn rợp bóng cờ hoa, tổ chức rộng khắp, phong phú các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày quân và dân Tiên Lãng anh dũng phá càn thắng lợi, tạo nên khí thế tưng bừng của ngày hội quê hương.

Từ những ngày đầu khai hoang mở đất, cho đến thời kỳ phong kiến, rồi đến thời kỳ kháng chiến kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất và người Tiên Lãng đều có những dấu ấn đậm nét, đặc sắc, độc đáo. Tiên Lãng – thực sự là một miền trầm tích văn hoá, miền quê giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng và giàu tiềm năng phát triển kinh tế xã hội hôm nay. Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống anh dũng phá càn thắng lợi (28/8/1953 - 28/8/2023), đón nhận Huân chương Lao động hạng III, đón bằng công nhận Lễ hội ngũ linh từ di sản phi vật thể quốc gia là dịp để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tiên Lãng cùng ôn lại lịch sử hào hùng, để tự đó nguyện tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên hành trình rất đỗi tự hào, hành trình đổi mới - khát vọng dựng xây quê hương./.  

Tổng hợp và sưu tầm: Đào Duy

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com