LLVT địa phương cùng nhân dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975) - Phần 1

Cập nhật: 06/06/2023 22:28

CHƯƠNG HAI

ĐẢNG ỦY THÀNH ĐỘI HẢI PHÒNG - ĐẢNG ỦY BỘ TƯ LỆNH 350 LÃNH ĐẠO CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỊA PHƯƠNG CÙNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1955-1975)

 

I. LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG THẾ TRẬN BẢO VỆ HẢI PHÒNG ĐỒNG THỜI ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG VÌ MIỀN NAM RUỘT THỊT.

Ngày 13/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng rời Cảng Hải Phòng, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời nằm dưới ách thống trị của Mỹ Ngụy. Cùng với nhân dân miền Bắc, nhân dân Hải Phòng - Kiến An được hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình. Đây là thuận lợi căn bản để Hải Phòng - Kiến An cùng quân dân miền Bắc quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang được Khu ủy, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Kiến An hết sức coi trọng. Về tổ chức Đảng, sau ngày tiếp quản, Thành đội Hải Phòng tổ chức thành Ban Chấp hành Liên chi ủy 6; Tỉnh đội Kiến An cũng thành lập Ban Chấp hành Liên chi lãnh đạo công tác quân sự. Cơ quan chính trị Thành đội, Tỉnh đội gọi là Ban Giáo dục chính trị.

Sự quan tâm và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nức lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, động viên quân dân vượt khó khăn trong công cuộc khôi phục kinh tế ổn định tình hình xây dựng và bảo vệ thành phố sau chiến tranh.

Công tác khôi phục kinh tế giữ vững trật tự trị an, ổn định đời sống nhân dân được đặc biệt coi trọng. Việc thu hồi vũ khí được tiến hành khẩn trương, đã thu được 199 súng các loại, 1 tấn thuốc nổ, hơn 1.000 quả lựu đạn và mìn, trên 40 tấn đạn. Đến hết tháng 5/1955, hơn 4.000 ngụy quân, ngụy quyền đã ra đăng ký khai báo. Lực lượng an ninh bắt giữ hàng trăm tên lưu manh, buôn lậu, giả mạo giấy tờ. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, công nhân Cảng khẩn trương khôi phục hệ thống luồng lạch, phao tiêu, cầu tàu. Đúng một tuần sau giải phóng, Cảng Hải Phòng đã chính thức hoạt động trở lại - công việc mà thực dân Pháp dự kiến phải mất hai năm. Cũng chỉ hai ngày sau khi tiếp quản, tuyến xe lửa Hải Phòng-Hà Nội, đã chạy hai chuyến đi - về một ngày, sau một tháng nâng lên 3 chuyến mỗi ngày. Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp được nhà nước giúp đỡ về nguyên liệu, kỹ thuật, tổ chức và nơi tiêu thụ nên phục hồi khá nhanh.

Trong lúc nhân dân đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh thì ngày 26/9/1955 một cơn bão lớn đổ bộ vào Hải Phòng-Kiến An làm 67 km đê biển bị sạt, vỡ, cuốn trôi hàng nghìn ngôi nhà, nhiều tàu thuyền, ngư cụ, gia súc; hàng trăm người bị chết và bị thương; 12.920 ha ruộng ngập úng và nhiễm mặn... Đây là trận bão lớn chưa từng có ở Hải Phòng.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng các đơn vị thuộc Thành đội Hải Phòng, Tỉnh đội Kiến An, Đại đoàn 350 kịp thời được huy động đến những xã xung yếu để chống bão lũ. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ dũng cảm lấy thân mình ngăn sóng biển. Y tá Phạm Minh Đức, thuộc Đại đoàn 350, cứu được 16 người dân và đã anh dũng hy sinh.

Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là người anh hùng đầu tiên của Quân đội ta được tuyên dương trong thời bình. Tên anh được đặt cho một đường phố Hải Phòng.

Trong quá trình tiếp quản, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Quân Khu ủy, Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban Quân chính Hải Phòng - Kiến An đảm nhiệm tất cả các công việc của chính quyền. Đầu tháng 6/1955, Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố được thành lập để tiếp tục công việc của Ủy ban quân chính.

Tháng 12/1955, cải cách ruộng đất đợt 5 được triển khai ở 1.720 xã thuộc 20 tỉnh và 2 thành phố, trong đó có 83 xã thuộc Kiến An và 9 xã thuộc Hải Phòng.

Tháng 4/1956, Đảng phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉ thị kiên quyết sửa chữa. Tháng 5/1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), chủ trương sửa sai nhằm: “Đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất1.

Từ tháng 11/1956, Kiến An bắt đầu tiến hành sửa sai. Các hội nghị Mặt trận Tổ quốc, quân nhân phục viên, các gia đình cách mạng, tôn giáo... Được tổ chức để quán triệt Chỉ thị của Trung ương Đảng, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiệu triệu của Khu ủy Tả Ngạn. Ngày 04/10/1957, Tỉnh ủy Kiến An mở hội nghị tổng kết, đánh giá công tác sửa sai toàn tỉnh đã khôi phục được 95% các chi bộ Đảng đã bị giải thể. 90,1% đảng viên bị xử trí sai được trả lại Đảng tịch. Việc sửa thành phần được tiến hành nghiêm túc.

Ở Hải Phòng, khôi phục được 62 trong số 65 chi bộ bị giải thể; khôi phục chức vụ cho 625 chi ủy viên; phục hồi công tác cho 514 đảng viên, trả lại tự do cho 655 người.

Đến giữa năm 1957, công tác sửa sai đã cơ bản hoàn thành. Nông thôn dần đi vào ổn định. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục. Trên cơ sở đó lực lượng dân quân du kích được củng cố và phát triển. Ngày 21/3/1957, Quân khu ủy Tả Ngạn ra Quyết nghị số 230 về việc thành lập Đảng ủy thành đội Hải Phòng do đồng chí Trịnh Đình Hoành làm Bí thư. Đảng bộ Thành đội Hải Phòng lúc này có 167 đảng viên. Hệ thống Đảng có 14 chi bộ (4 chi bộ đại đội, 3 chi bộ huyện đội, 2 chi bộ cơ quan Thành đội và Tiểu đoàn bộ).

Ngày 05/6/1956, theo đề nghị của Thành ủy và Ủy ban hành chính thành phố, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 913, sáp nhập huyện Cát Hải và huyện Cát Bà của tỉnh Quảng Ninh, Đồ Sơn của Kiến An vào Hải Phòng. Đầu năm 1957, đảo Bạch Long Vĩ được Trung ương giao cho Hải Phòng quản lý. Địa giới Hải Phòng được mở rộng, tạo thêm thuận lợi cho nhiệm vụ xây dựng thế trận bảo vệ thành phố. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và Đảng ủy Thành đội các xưởng đóng tàu 1, 2, 3 và nhiều cơ sở công nghiệp của Hải Phòng góp sức cùng Xưởng 46 Hải Quân đảm bảo phương tiện cho bộ đội Hải Quân Việt Nam, bảo vệ vùng biển và hải đảo Tổ quốc. Bộ đội địa phương thuộc Thành đội Hải Phòng và Tỉnh đội Kiến An được tổ chức lại thành 2 đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ đường sắt Hải Phòng-Hà Nội và các cơ quan, xí nghiệp. Mỗi xã có một trung đội dân quân du kích. Các nhà máy, công ty lớn đều xây dựng đội tự vệ. Tính đến tháng 6/1959, toàn thành phố có 3.477 dân quân 1 (trong đó có 139 đảng viên), 5.593 dân quân 2 (có 87 đảng viên). Tự vệ 6 khu phố và 39 cơ sở công nghiệp, tự vệ các cơ quan, nông trường Cát Bi có tổng cộng 2.061 đồng chí (trong đó có 438 đảng viên) [1].

Sau 3 năm tiến hành khôi phục kinh tế, cùng với miền Bắc, Hải Phòng-Kiến An bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hoá. Tại hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ngày 19/3/1958) và kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá I (ngày 16/4/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ trước mắt của nhân dân ta là ra sức xây dựng và củng cố Miền Bắc, đưa Miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà[2].

 Tháng 3/1957, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 12, ra nghị quyết về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng theo phương châm “Tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy và hiện đại hoá[3].

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 12, tháng 3/1958, Hội nghị xây dựng lực lượng hậu bị toàn miền Bắc được triệu tập. Tháng 01/1959, Hội nghị Trung ương 15 đề ra đường lối và phương hướng của cách mạng miền Nam;

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương. Đảng bộ Thành đội Hải Phòng và Tỉnh đội Kiến An đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ra sức xây dựng lực lượng hậu bị. Sau 2 năm xây dựng, Hải Phòng có 15.068 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thuộc 3 huyện đội (Thủy Nguyên, Hải An, Cát Hải), 6 khu đội nội thành (Gia Lạc Viên, Máy nước, Dư Hàng, Hàng Kênh, Thượng Hạ Lý và Khu đội trên sông) và tự vệ các cơ quan xí nghiệp (Cảng, Xi Măng, Bưu Điện...) Đảng bộ Tỉnh đội Kiến An gắn nhiệm vụ sản xuất với bảo vệ sản xuất. Tỉnh thí điểm mô hình lồng tổ chức dân quân vào hợp tác xã nông nghiệp ở hai xã, sau đó mở rộng ra toàn tỉnh. Đến cuối năm 1958, toàn tỉnh đã có 30.000 dân quân 1 và dân quân 2. Công tác huấn luyện quân sự, chính trị được thực hiện hàng năm.

Đầu năm 1959, Đảng bộ Thành đội Hải Phòng, Kiến An lãnh đạo thực hiện thí điểm công tác tuyển quân theo luật nghĩa vụ quân sự 1.737 thanh niên Hải Phòng, 2.394 thanh niên Kiến An đã lên đường nhập ngũ trong đợt tuyển quân đầu tiên.

Trong những năm 1958-1960, các cấp bộ Đảng thuộc Tỉnh đội Kiến An, Thành đội Hải Phòng không ngừng củng cố, kiện toàn về tổ chức. Đảng bộ hướng trọng tâm phát triển Đảng trong các chiến sĩ dân quân tự vệ có thành phần là công nhân, nông dân, ngư dân, thợ thủ công. Trong đợt phát triển Đảng ''Lớp 6-1'', Đảng bộ Hải Phòng kết nạp được 1.838 đảng viên, Kiến An kết nạp được 946 đảng viên, đưa tổng số đảng viên mới được kết nạp trong 3 năm 1958-1960 của 2 Đảng bộ lên 5.347 đảng viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960. Đại hội xác định rõ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ở hai miền, mối quan hệ của mỗi miền trong sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta. Đại hội đề ra nhiệm vụ của quân đội: “Bảo vệ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng Miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế...  Tích cực xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, củng cố và phát triển dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng hậu bị, gắn liền xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi[4]

Sau khi nội thành Hải Phòng được tổ chức thành 3 khu phố, ngày 15/7/1961, Bộ Tư lệnh khu Tả Ngạn ra quyết định giải tán 6 khu đội (được thành lập từ năm 1955) thành lập 3 khu đội Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền [5].

Từ sau phong trào “Đồng khởi” cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam phát triển mạnh mẽ. Để đối phó, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trước âm mưu mới của địch dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là của Đảng bộ Thành đội, Tỉnh đội lực lượng vũ trang Hải Phòng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, kiên quyết đánh bại mọi hoạt động chống phá và âm mưu “Bắc tiến, Lấp sông Bến Hải” của địch. Công tác bảo vệ trị an trên sông, biển được Thành đội và Sở Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với bộ đội Hải Quân tiến hành thường xuyên, đặc biệt là ở các đảo, nơi bọn biệt kích, gián điệp có thể lợi dụng để xâm nhập, ẩn nấp.

Công tác cải tạo các phần tử tề ngụy, đảng phái phản động cũ là một nhiệm vụ quan trọng của hai Đảng bộ. Năm 1961, Tỉnh Kiến An đã xác minh, lập hồ sơ đề nghị giáo dục cải tạo 65 người là gián điệp, chỉ điểm cũ, 47 người lợi dụng tôn giáo, 2.157 đối tượng là ngụy quân, 8 đối tượng là ngụy quyền chưa chịu cải tạo. Các cơ quan, xí nghiệp cũng tiến hành làm trong sạch nội bộ, điều chuyển các đối tượng phức tạp, ra khỏi các bộ phận quan trọng, cơ mật Đảng bộ Thành đội, Tỉnh đội đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ chính trị trình độ sẵn sằng chiến đấu cho dân quân tự vệ. Lực lượng tự vệ được xây dựng ở tất cả các cơ quan, đơn vị đặc biệt là ở những vùng xung yếu. Với sự giúp đỡ của cơ quan quân sự, các địa phương đều tập trung xây dựng phương án phòng thủ. Hưởng ứng phong trào thi đua “Ba nhất” (Đạt nhiều thành tích nhất, đều nhất, giỏi nhất trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu); do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động dưới sự lãnh đạo của hai Đảng bộ các lực lượng vũ trang Hải Phòng, Kiến An đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xung kích trong bảo vệ trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng dân quân đóng vai trò nòng cốt trong công tác thủy lợi, bảo vệ đê điều, giữ gìn trật tự trị an thôn xóm, hợp tác xã. Lực lượng dân quân tự vệ tổ chức giao ước thi đua thành lập các cụm kết nghĩa thi đua với nội dung sản xuất tốt, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao. Tiêu biểu trong khối tự vệ là cụm kết nghĩa Nhà máy Toa xe, Xí nghiệp ô tô; nhà Ga, Nhà máy Len, gọi tắt là cụm Xe - Tô - Ga - Len. Dân quân du kích Kiến An có cụm kết nghĩa các xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Chấn Hưng (Tiên Lãng), gọi tắt là Vinh - Hùng - Chấn. Cụm Tú Sơn, Đại Hợp, Đoàn Xá (Kiến Thụy) gọi tắt là cụm Tú - Đại - Đoàn. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu các cụm kết nghĩa thi đua còn phối hợp tuần tra, bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn.

Với tinh thần hướng về miền Nam ruột thịt, Hải Phòng đã tiến hành kết nghĩa với Đà Nẵng, Kiến An kết nghĩa với Gò Công, Quân dân Hải Phòng Kiến An tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Đặc biệt, nhân sự kiện đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Hải Phòng, Kiến An đã tổ chức nhiều hoạt động, đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 20/7/1962, các ngành, đoàn thể ở Hải Phòng đã tổ chức 800 cuộc nói chuyện về tình hình miền Nam, với 25 vạn lượt người tham dự. Hơn 12 vạn lượt người Hải Phòng xuống đường biểu tình; 187 đoàn đại biểu nhân dân đến gặp đại diện của Ủy ban quốc tế tại Hải Phòng đưa kiến nghị phản đối Mỹ - Diệm, ủng hộ nhân dân miền Nam. Ở Kiến An, diễn ra 123 cuộc mít tinh, có 25.719 cán bộ, nhân dân tham gia, đấu tranh chống Mỹ - Diệm; 10.003 người ký tên vào các bản kiến nghị gửi Ủy ban quốc tế đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Với tinh thần “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt” các lực lượng vũ trang cùng nhân dân mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện về mọi mặt cho các cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết đang công tác tại Hải Phòng. Đặc biệt quân dân Hải Phòng Kiến An đã hết lòng chăm sóc các em học sinh miền Nam đang học tập tại các trường học sinh miền Nam số 6, 17, 19, 21… trên địa bàn. Đây cũng là nét riêng, đặc sắc của Hải Phòng - Kiến An. Tình cảm đó của quân và dân Hải Phòng Kiến An đã khiến cho Trần Ngọc một chiến sĩ của Đại đoàn 350 vô cùng xúc động, giúp anh sáng tác bài thơ “Chú đi tuần” nổi tiếng:

Gió hun hút lạnh lùng

Trong đêm khuya phố vắng

Súng trong tay im lặng

Chú đi tuần đêm nay

Hải Phòng yên giấc ngủ say

Cây rung theo gió lá bay xuống đường

Chú đi qua cổng trường

Các cháu miền Nam yêu mến

Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến

Các cháu ơi giấc ngủ có ngon không?

Cửa đóng che kín gió

Ấm áp dưới mền bông

Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé

Trong đêm khuya vắng vẻ

Chú đi tuần đêm nay

Nép mình dưới bóng hàng cây

Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi

Rét thì mặc rét cháu ơi

Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm

Mai các cháu học hành tiến bộ

Đời đẹp tươi hoa nở tung bay

Cháu ơi ngủ nhé cho say

Cháu ngoan của chú giờ này biết không?

Trước yêu cầu của cách mạng và cũng là nguyện vọng của nhiều cán bộ chiến sĩ, ngay từ năm 1961 đã có 30 cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết đang công tác tại Thành đội Hải Phòng và Tỉnh đội Kiến An được lệnh lên đường trở về miền Nam chiến đấu. Đầu năm 1962, theo chỉ đạo của Bộ và Quân khu, Đảng bộ Thành đội Hải Phòng đã tuyển chọn một đại đội bí mật lên đường vào miền Nam. Ngày 11/10/1962, con tàu “Không số” đầu tiên xuất phát từ Đồ Sơn, chở vũ khí vào chi viện chiến trường Nam Bộ, chính thức mở ra tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Công nhân Xưởng đóng tàu 1, Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng vinh dự được đóng những con tàu vỏ gỗ rồi vỏ sắt phục vụ nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến lược.

Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và của Quân khu ủy, ngày 04/7/1962 Thành ủy Hải Phòng ra quyết định giải thể Đảng ủy Thành đội, thành lập Ban cán sự Thành đội với nhiệm vụ giúp việc cho Thành ủy và Quân khu ủy chỉ đạo công tác quân sự địa phương. Ban Cán sự Thành đội gồm các đồng chí: Đinh Nho Đang (Thành ủy viên, Chính trị viên Thành đội, Bí thư Ban Cán sự), Nguyễn Chất (Thành đội trưởng), Nguyễn Quang Hải (Chủ nhiệm Chính trị), Lưu Bá Thiệu (Chính trị viên khu đội Hồng Bàng), Nguyễn Văn Bảy (Chính trị viên huyện đội Thủy Nguyên).

Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên, xã hội của Hải Phòng, Kiến An và để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, ngày 21/9/1962 Trung ương Đảng chính phủ quyết định hợp nhất Hải Phòng, Kiến An lấy tên là thành phố Hải Phòng.

Sau khi hợp nhất, Hải Phòng trở thành một thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, có hải cảng lớn nhất miền Bắc, có vùng nông thôn ngoại thành rộng lớn. Với những thuận lợi cơ bản đó, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, trong 3 năm 1963-1965, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Thực hiện kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ 2 (1961-1965) do Bộ Chính trị thông qua ngày 25/2/1961, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hình thành cơ cấu tổ chức của một quân đội hiện đại với đầy đủ các quân, binh chủng, không ngừng được tăng cường, củng cố về số lượng và chất lượng. Lực lượng vũ trang đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đảng bộ Thành đội Hải Phòng tăng cường xây dựng lực lượng, tổ chức diễn tập. Lực lượng dân quân tự vệ được kiện toàn. Mỗi hợp tác xã thành lập 1 trung đội dân quân. Các cơ sở công nghiệp của Trung ương thành lập tiểu đoàn tự vệ. Tại các địa bàn xung yếu như hải đảo, trên sông, biển, lực lượng tự vệ được trang bị mạnh. Công tác huấn luyện, diễn tập thực hành các phương án tác chiến, chống gián điệp, biệt kích xâm nhập được đẩy mạnh.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh của quân và dân ta tiếp tục giành những thắng lợi mới. Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 đã đánh dấu sự phá sản không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Trước tình hình đó, Mỹ - Ngụy một mặt đẩy mạnh các cuộc càn quét, đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam, đồng thời tăng cường phá hoại miền Bắc. Từ đầu năm 1963, chúng tăng cường các hoạt động do thám, gián điệp và các hoạt động phá hoại ở miền Bắc, trong đó Hải Phòng là một trọng điểm.

 Nhận rõ âm mưu của địch, quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương về tăng cường đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, tháng 4/1963 Đảng ủy đã tham mưu cho Thành ủy mở hội nghị cán bộ chủ chốt của thành phố, Sở Công an, Thành đội cùng Bộ Tư lệnh Hải Quân và các huyện, thị ven biển, triển khai phương án phòng chống gián điệp, biệt kích và thành lập Ban chỉ huy phòng chống gián điệp, biệt kích xâm nhập.

Với tinh thần cảnh giác cao, với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, ngày 20/8/1963, dân quân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đã bắt gọn 6 tên biệt kích cùng toàn bộ trang bị vũ khí, điện đài.

Thực hiện Nghị định số 112-CP của Hội đồng Chính phủ, Mệnh lệnh số 372/MN về công tác phòng không nhân dân, Đảng bộ Thành đội tham mưu với Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố mở đợt tuyên truyền động viên nhân dân tích cực xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng không, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Đầu năm 1964, Lữ đoàn 350 được Bộ và Quân khu điều về bảo vệ Hải Phòng. Sự phối hợp, xây dựng phương án hiệp đồng tác chiến với Lữ đoàn cùng Thành đội, Sư đoàn phòng không 363 và Quân chủng Hải Quân phối hợp xây dựng phương án hợp đồng tác chiến bảo vệ Thành phố, Quân chủng Hải Quân và các lực lượng.

Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt. Tại hội nghị lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại...[6]. Người kêu gọi quân dân miền Bắc ra sức thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt[7].

Cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Đảng bộ Thành đội Hải Phòng phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” theo lời Bác dạy, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Đảng ủy Thành đội lãnh đạo lực lượng công binh khẩn trương xây dựng 4 hầm chỉ huy của Thành ủy, Ủy ban hành chính, Thành đội, Sở Công an. Các lực lượng vũ trang cùng nhân dân tích cực đào hầm trú ẩn, đặc biệt là ở các khu vực tập trung đông người như chợ, trường học, cơ quan, bệnh viện... Các phương án bảo vệ và tiến hành thực tập cứu người bị sập hầm, bị thương... được tập dượt thường xuyên. Lực lượng tự vệ ở các xí nghiệp, công trường, cơ quan và dân quân ở các thôn xã được củng cố, tăng cường diễn tập chiến đấu. Công tác huấn luyện bắn máy bay tầm thấp với các bài tập bắn đón 8 thân, 4 thân như thời kỳ chống Pháp, bắn máy bay bổ nhào... được tất cả các lực lượng bộ đội, tự vệ, dân quân khẩn trương triển khai. Công nhân giao thông làm mới 46km đường, 9 cầu, sửa chữa, nâng cấp nhiều đoạn đường với tổng chiều dài hàng chục km phục vụ các lực lượng cơ động. Ngành bưu điện tăng cường mạng lưới thông tin liên lạc, đảm bảo thông suốt liên tục. Hệ thống thông tin toàn thành phố lúc này đã có 107 tổng đài, 1.765 máy điện thoại, trên 1.000 km dây.

Cùng với công tác chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu các hoạt động chi viện miền Nam tiếp tục được thực hiện. Những con tàu “Không số” do Xí nghiệp đóng tàu 1 và Xí nghiệp đóng tàu 3 của Hải Phòng đóng, khẩn trương được hoàn tất, bàn giao cho Quân chủng Hải Quân trước thời gian quy định. Các con tàu “không số” đã đưa hàng nghìn tấn vũ khí vào chiến trường góp phần đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến của quân dân ta ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ khi tuyến chi viện chiến lược trên bộ chưa vươn tới được. Với thiết bị của mình, Bưu điện Hải Phòng góp phần cùng Bộ Tư lệnh Hải Quân chỉ huy, chỉ dẫn hành trình của các con tàu không số trên biển Đông. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải Phòng hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu.

 

 

1 Dẫn theo lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập II, NXB Hải Phòng, trang 36.

 

[1] Đề án công tác quân sự 6 tháng cuối năm 1959 Thành đội Hải Phòng. Hồ sơ số 34 Lưu trữ Thành đội Hải Phòng.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 156.

[3] Dẫn theo 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam. Sđd... trang 144, 145

[4] 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên sự kiện). Sđd, trang 166.

[5] Quyết định số 168/QĐ-ĐĐ, Hồ sơ số 58/60 Lưu trữ Bộ CHQS Hải Phòng.

1,2 Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Tập 2, NXB Sự Thật, H, 1980, trang 331.

 

 

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com