LLVT địa phương cùng nhân dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975) - Phần 2

Cập nhật: 06/06/2023 22:30

II. LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG THẾ TRẬN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ NHẤT, ĐẨY MẠNH CHI VIỆN MIỀN NAM

Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt, từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ vội vã đưa một bộ phận quân chiến đấu Mỹ và chư hầu vào miền Nam đồng thời dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá Miền Bắc.

Sau khi gây ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” (ngày 02/8/1964) rồi mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” (ngày 05/8/1964), chiến dịch “Mũi lao lửa” (ngày 07/02/1965); từ ngày 02/03/1965, đế quốc Mỹ mở chiến dịch “Sấm rền” leo thang đánh phá liên tục và ngày càng ác liệt đối với miền Bắc nước ta. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới xuất hiện kiểu chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với quy mô lớn và mức độ ác liệt.

Một trong những mục tiêu chủ yếu của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc là Hải Phòng, nhằm bao vây, cô lập, cắt đứt nguồn chi viện của các nước anh em, bạn bè quốc tế, ngăn chặn giao thông vận chuyển từ Hải Phòng đi các nơi; ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng; gây khó khăn về đời sống, lung lạc tinh thần, đánh bại ý chí, quyết tâm chiến đấu của quân dân thành phố và quân dân miền Bắc. Chính vì vậy, Hải Phòng là một trong những địa phương trên miền Bắc sớm bước vào chiến đấu chống chiến tranh phá hoại.

Sáng ngày 26/3/1965, đế quốc Mỹ huy động nhiều máy bay đánh phá đảo Bạch Long Vĩ, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở Hải Phòng.

Ngay khi máy bay địch vừa xuất hiện, các trận địa pháo cao xạ, các tổ bắn máy bay của tự vệ kịp thời nhả đạn. Một máy bay F-4 trúng đạn. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị quân dân Hải Phòng bắn rơi.

Chiều ngày 29 tháng 3, địch đánh phá Bạch Long Vĩ lần thứ hai. Chúng huy động 42 lần chiếc máy bay, chia thành nhiều tốp, liên tục đánh phá đảo trong 1 giờ 15 phút. Hơn 100 căn nhà cùng nhiều tài sản của nhân dân trên đảo bị phá hủy. Nhưng chúng đã bị quân dân trên đảo trừng trị đích đáng, 5 máy bay bị bắn rơi.

Chiến công xuất sắc của quân dân đảo Bạch Long Vĩ được Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Quốc phòng biểu dương. Đặc biệt, quân dân trên đảo vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Theo chỉ đạo của Quân khu ủy và Thành ủy, Đảng ủy thành đội Hải Phòng đã tổ chức trọng thể lễ mừng công đón nhận cờ thưởng luân lưu của Bác nhằm động viên khí thế đánh Mỹ của nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố.

Hai trận chiến đấu ngày 26 và 29/3/1965 của quân và dân đảo Bạch Long Vĩ đánh dấu một thời kỳ mới của Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Hải Phòng: thời kỳ vừa sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Để bảo đảm chiến đấu lâu dài, theo chỉ đạo của Thành ủy, thành đội Hải Phòng tổ chức một bộ phận nhân dân Bạch Long Vĩ sơ tán về đảo Cát Bà. Tự vệ chiến đấu và những người có sức khoẻ ở lại đảo, tiếp tục sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng bắn máy bay, đánh tàu chiến được tăng cường.

Ngày 25/3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 11. Hội nghị hạ quyết tâm động viên quân, dân cả nước “Cố gắng gấp bội, thực hiện một cách tích cực gấp bội những đường lối và phương châm đã đề ra... Tích cực kiềm chế và đánh thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt với mức cao nhất ở miền Nam...  Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra; tiếp tục xây dựng miền Bắc… Kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng Không quân, Hải quân của địch...” 1. Hội nghị quyết định chuyển hướng nền kinh tế Miền Bắc sang thời chiến và tăng cường lực lượng quốc phòng.

Đầu tháng 5/1965, Thành ủy Hải Phòng tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi Nghị quyết 11 cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Đảng ủy Thành đội Hải Phòng tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố phát động phong trào toàn dân đánh máy bay địch; toàn dân làm công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả; toàn dân làm công tác giao thông vận tải, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt.

Để bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược Hải Phòng, ngày 22/4/1965, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp Lữ đoàn 350 thành Sư đoàn 3501. Ngày 19/5/1965, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không bảo vệ Hải Phòng. Ngày 21/6/1965, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh 350 trên cơ sở hợp nhất Sư đoàn 350 và Thành đội Hải Phòng. Bộ Tư lệnh 350 có nhiệm vụ:

Thống nhất chỉ huy các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu đứng chân trên địa bàn thành phố và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ toàn thành.

Làm tham mưu cho Thành ủy về công tác quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân trên địa bàn thành phố.

Chủ trì việc hiệp đồng tác chiến với các quân chủng, binh chủng có lực lượng chiến đấu bảo vệ Hải Phòng.

Về tổ chức Đảng, Bộ Tư lệnh 350 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là của Quân khu ủy. Về công tác quân sự địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng 2.

Ngày 04/8/1965 Quân khu ủy ra quyết định thành lập Đảng bộ, Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350. Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350 gồm các đồng chí Đỗ Chính (Bí thư), Trần Quân Lập (Phó Bí thư), Nguyễn Tiệp (Ủy viên Thường vụ) và các Đảng ủy viên: Võ An Đông, Nguyễn Hữu Thành, Phạm Lê Điện, Phạm Xưởng, Hải Vân, Nguyễn Trường Xuân, Nguyễn Chất, Trịnh Đình Hoành 3.

Việc thành lập Bộ Tư lệnh 350 với chức năng nhiệm vụ quyền hạn như một Bộ Tư lệnh khu vực là một sáng tạo của Đảng trong chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng là tỉnh, thành phố đầu tiên và duy nhất trên miền Bắc được tổ chức theo mô hình này. Thực tiễn đã khẳng định, mô hình tổ chức này rất phù hợp với một địa bàn chiến lược quan trọng như Hải Phòng-nơi có đầy đủ các thành phần lực lượng của các quân chủng, binh chủng đóng chân để bảo vệ thành phố, bảo vệ miền Bắc.

Để tăng cường chỉ đạo nhiệm vụ chiến đấu, đặc biệt là tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350 tham mưu cho Thường vụ Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố thực hiện chế độ giao ban, trực chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu hàng ngày. Thành ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350 còn tổ chức cho các đồng chí Thành ủy viên và cán bộ các ngành, các cấp học tập về quân sự, bồi dưỡng một số hiểu biết về địch, về tính năng tác dụng của một số loại vũ khí phòng không... nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy quân sự, đáp ứng yêu cầu của địa phương trong chiến đấu hiệp đồng bảo vệ thành phố. Tháng 6/1965, Hải Phòng thành lập Ban Chỉ huy Phòng không nhân dân thành phố do đồng chí Đỗ Chính - Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính, Chính ủy Bộ tư lệnh 350, làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Chất, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 350, làm Tham mưu trưởng. Các đồng chí Giám đốc Sở Bưu điện, Sở Y tế, Sở Xây dựng và Đài truyền thanh thành phố làm ủy viên.

Cũng trong tháng 6/1965, Ban Bảo đảm giao thông thành phố thành lập do đồng chí Lê Bảo, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Ủy ban hành chính, làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tham mưu trưởng, đồng chí Chủ nhiệm công binh Bộ Tư lệnh 350 làm Ủy viên thường trực.

 Nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, tháng 12/1965 với sự tham mưu của Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350, Thành ủy Hải Phòng quyết định thành lập Ban Quân sự Thành ủy gồm một số đồng chí trong Thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban hành chính, Giám đốc Sở Công an, Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 363, Bộ Tư lệnh Hải Quân. Ban Quân sự Thành ủy do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính, làm Phó trưởng ban, đồng chí Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 làm Tham mưu trưởng. Ban Quân sự Thành ủy là cơ quan thường trực về công tác quân sự của Thành ủy, có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên địa bàn, chỉ đạo xây dựng thế trận phòng không nhân dân, tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị, các lực lượng, tổ chức phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả, tổ chức sơ tán, bảo đảm giao thông vận tải...

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban hành chính và Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350, hàng chục vạn thanh niên nam nữ ở các nhà máy, xí nghiệp cơ quan, trường học, hợp tác xã nông nghiệp, đánh cá, làm muối đăng ký “Ba sẵn sàng”: sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc giao phó.

Ngay trong năm 1965, toàn thành phố đã có 11.000 thanh niên nhập ngũ, 4.000 quân nhân tình nguyện tái ngũ. Hàng vạn thanh niên tham gia dân quân tự vệ. Tổng số dân quân tự vệ, tính đến tháng 12/1965, có hơn 90.000 người, tăng 2,3 lần so với tháng 6/1965, chiếm 10% tổng số dân. Hơn một vạn cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật và trên 1.000 phương tiện thiết bị có khả năng phục vụ quốc phòng đăng ký thực hiện phong trào “Ba quyết tâm: Quyết tâm phục vụ tốt sản xuất và chiến đấu, Quyết tâm đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, Quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa sẵn sàng phục vụ quân đội, phục vụ yêu cầu chiến đấu bảo vệ thành phố [1].

Để tăng cường hơn nữa khả năng bắn máy bay tầm thấp của dân quân tự vệ theo đề nghị của Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tổng Tham mưu và Quân khu bổ sung thêm cho Hải Phòng 2.000 khẩu súng bộ binh các loại[2]. Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 tập trung lãnh đạo chỉ đạo các đơn vị, các địa phương thành lập các tổ trực chiến, tổ chức các trận địa bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh. Được sự giúp đỡ của Quân chủng Hải Quân, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng xây dựng một tiểu đoàn tự vệ mạnh với 24 khẩu pháo và súng máy cao xạ các loại. Quân chủng còn cử cán bộ giúp các hợp tác xã vận tải đường sông và ven biển, các hợp tác xã đánh cá, huấn luyện dân quân tự vệ. Sư đoàn Phòng không 363 giúp Trung đoàn tự vệ Cảng Hải Phòng xây dựng một tiểu đoàn phòng không hỗn hợp và một phân đội súng máy cao xạ cơ động. Sư đoàn còn giúp Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Hải Phòng tổ chức một đại đội súng máy cao xạ cơ động và các tổ bắn máy bay ở các đồn, công an vũ trang.

Đến giữa năm 1965, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy và Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 toàn thành phố đã thành lập 558 tổ trực chiến bắn máy bay của dân quân tự vệ. Các tổ trực chiến được tổ chức theo hai hình thức là thường trực tại chỗ và luân phiên. Các đơn vị thường trực chiến đấu ở các khu phố, thị xã gọi là đội tự vệ chiến đấu, ở các huyện gọi là đội du kích tự vệ tập trung. Trên 19.000 dân quân tự vệ được huấn luyện cấp tốc ở các lớp bồi dưỡng xạ thủ bắn máy bay. 8.856 dân quân tự vệ, gồm những người có văn hoá, có sức khoẻ, được huấn luyện kỹ thuật sử dụng pháo cao xạ, có khả năng làm pháo thủ dự bị sẵn sàng thay thế vị trí của các pháo thủ, cao xạ bị thương trong chiến đấu. Nhiều trận địa bắn máy bay được bố trí ngay ở trung tâm thành phố, trên bến Cảng, trên sân thượng các nhà cao tầng, trong các xí nghiệp... Thôn xã nào cũng có trận địa. Súng bắn máy bay tầm thấp được đặt trên cả các tàu thuyền vận tải, đánh cá.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố và của Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350, 200 trận địa tên lửa, cao xạ của bộ đội chủ lực được khẩn trương xây dựng. Mỗi công dân ở độ tuổi lao động có nghĩa vụ đóng góp 15 ngày công mỗi năm để xây dựng hệ thống trận địa cho bộ đội chủ lực. Mỗi cơ quan, xí nghiệp phải tự lực xây dựng trận địa chiến đấu cho các đơn vị tự vệ của mình.

Những tháng cuối năm 1965, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá các trọng điểm giao thông trên đường 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Ngày 9 tháng 11, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp với Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350 và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 363 nghiên cứu trận đánh phá cầu Lai Vu ngày 5 tháng 11 của địch và phán đoán hoạt động tiếp theo của chúng.  Phân tích thủ đoạn đánh phá của địch, hội nghị nhận thấy mỗi khi vào đánh phá đường 5, địch thường sử dụng máy bay của hải quân, bay thấp từ biển đột nhập vào đất liền theo các dòng sông Văn Úc, Thái Bình hòng tránh bị các đài ra đa của ta phát hiện. Từ nhận định cơ bản đó, Thường vụ Thành ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 363 quyết định rút một bộ phận lực lượng bảo vệ yếu địa, tập trung thành một cụm phòng không tầm thấp tương đối mạnh gọi là Cụm Thành Công, gồm 2 đại đội cao xạ 37 ly, một đại đội 14 ly 5, hai đại đội súng máy 12 ly 7, tổ chức trận địa phục kích ở hai bên bờ sông Mới thuộc các xã Tiên Cường, Đại Thắng, huyện Tiên Lãng và xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Đây là khu vực hai dòng sông Văn Úc và Thái Bình chảy sát nhau. Bố trí trận địa ở đây có thể đón đúng đường bay từ biển vào và từ đất liền ra biển của máy bay địch. Phối hợp chiến đấu với Cụm Thành Công có các tổ bắn máy bay của Trung đoàn 50 bộ binh, của dân quân 20 xã ven sông Văn Úc, sông Thái Bình và ven biển thuộc các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Thụy. Các tổ này chỉ được bắn máy bay địch khi chúng bay ra nhằm đảm bảo bí mật bất ngờ cho Cụm Thành Công.

10 giờ 45 phút ngày 17/11/1965, hai tốp máy bay địch gồm 8 chiếc, bay thấp khoảng 300m, dọc theo sông Văn Úc vào đánh phá đường 5. Đường bay của địch qua đúng khu vực phục kích của Cụm Thành Công. Các trận địa đồng loạt nhả đạn và ngay từ đầu đã bắn rơi một chiếc A4. Khoảng 5 phút sau, 2 tốp máy bay địch lại lao vào theo đúng đường bay của toán trước. Một chiếc nữa bị bắn rơi tại chỗ, cách trận địa không đầy 2km, tên giặc lái bị bắt sống. Đúng 11 giờ, tốp thứ ba lại lao qua trận địa. Thêm 1 chiếc nữa bị bắn rơi tại chỗ. Cùng lúc đó, các tốp máy bay địch, sau khi đánh phá đường 5, theo triền sông Thái Bình lao ra biển. Toàn Cụm lập tức quay nòng pháo cùng các tổ bắn máy bay của dân quân 20 xã và Trung đoàn 50 nổ súng quyết liệt. Thêm 3 chiếc máy bay địch bị bắn rơi.

Kể từ lúc Cụm Thành Công nổ súng, trận đánh chỉ diễn ra trong 30 phút, 6 máy bay địch bị bắn rơi (4 chiếc rơi tại chỗ) trong đó Cụm Thành Công bắn rơi 4 chiếc, tổ bắn máy bay của dân quân hai xã Thụy Hương, Thuận Thiên bố trí trên núi Trà Phương bắn rơi 1 chiếc, Trung đoàn 50 bắn rơi 1 chiếc. Đây là một trận đánh điển hình của thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không trong bố trí lực lượng, chọn cách đánh phục kích, bí mật, bất ngờ, mưu trí sáng tạo, dám đánh và quyết đánh của quân dân Hải Phòng.

Đầu năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân quyết định tăng thêm lực lượng và giao thêm nhiệm vụ cho Sư đoàn 363 tổ chức thành Bộ Tư lệnh Phòng không Hải Phòng-Đường 5. Đây là một Bộ Tư lệnh Phòng không khu vực, có lực lượng mạnh (gồm 4 trung đoàn cao xạ và 1 trung đoàn tên lửa) vừa có nhiệm vụ bảo vệ yếu địa, vừa là lực lượng cơ động bảo vệ Hải Phòng và tuyến giao thông huyết mạch Hải Phòng - Hà Nội. Ngoài lực lượng phòng không của cấp trên. Bộ Tư lệnh 350 lúc này có 1 tiểu đoàn và 5 đại đội cao xạ. Trung đoàn 50 cũng xây dựng một đại đội pháo cao xạ trực thuộc. Mỗi tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn đều thành lập một phân đội bắn máy bay tầm thấp bằng súng máy cao xạ. Các huyện, thị xã, các khu phố nội thành đều tổ chức 1 trung đội, có nơi là 1 đại đội thường trực bắn máy bay, trang bị súng máy cao xạ. Trung đội huyện Cát Hải được trang bị pháo cao xạ 20 ly, trung đội của huyện Cát Bà được trang bị pháo cao xạ 37 ly. Một số nhà máy lớn, lực lượng tự vệ đông như Nhà máy Xi măng, Cảng, Đóng tàu Bạch Đằng... tổ chức tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly và 40 ly. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ ở các đơn vị thường trực của huyện, thị xã, khu phố, nhà máy, xí nghiệp đều do các cơ sở lựa chọn, thời gian tập trung từ ba đến sáu tháng, luân phiên trực chiến ngoài ca kíp sản xuất, được tính công lao động loại một.

Lực lượng bắn máy bay của dân quân ở các thôn, xã ngoại thành và tự vệ các xí nghiệp nhỏ, đường phố tổ chức thành các tổ trực chiến thoát ly sản xuất. Đến cuối năm 1965, lực lượng này đã có hơn 6.000 người, tổ chức thành 900 tổ. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, đầu năm 1966, Bộ Tư lệnh 350 quyết định chỉ giữ lại 2.000 người, tổ chức thành 200 tổ thường trực bắn máy bay được trang bị vũ khí tốt hơn. Còn 4.000 người trở về các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và cơ quan làm lực lượng nòng cốt của địa phương trong phong trào toàn dân bắn máy bay địch.

Nhằm ngăn chặn giao thông vận chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội và bao vây phong toả Cảng Hải Phòng, đầu mối tiếp nhận viện trợ lớn nhất của miền Bắc, máy bay Mỹ liên tục đánh phá các cầu trên đường 5, đường 10, đường 18. Từ ngày 20/3/1966, chúng bắt đầu đánh phá các đảo đèn Long Châu, Hòn Dấu, Căngrơla, Hải Âu, đánh vào các tàu, thuyền vận tải trên sông và ven biển, đe dọa, uy hiếp các tàu nước ngoài ra vào Cảng.

Long Châu là một quần đảo, gồm nhiều núi đá vôi, nằm cách bờ 50km. Đèn Long Châu xây bằng đá trên một đỉnh núi cao. Đây là điểm chuẩn của đường hàng hải Hải Phòng - Đà Nẵng, Hải Phòng-Hải Nam (Trung Quốc). Từ vùng biển quốc tế, các tàu thuyền nhận được vị trí Cảng Hải Phòng qua ánh sáng đèn Long Châu và Hòn Dấu.

Nhằm làm ngưng trệ hoạt động của Cảng Hải Phòng, ngăn chặn các tàu nước ngoài ra vào Cảng, giặc Mỹ quyết phá bằng được cây đèn này, bịt “con mắt” của Cảng Hải Phòng. Chúng liên tục ném bom, bắn tên lửa, đạn rốc két vào các cây đèn, kể cả lúc đèn đang phát sáng. Có ngày chúng đánh đèn Long Châu 6 trận. Máy bay của địch sau khi bay vào đánh phá đất liền, trên đường trở về tàu sân bay, nếu còn thừa bom, đạn chúng cũng trút xuống đảo nhằm phá hủy cây đèn.

Những công nhân thắp đèn trên đảo Long Châu, tất cả là đảng viên và đoàn viên ưu tú, tổ chức thành 1 trung đội tự vệ chiến đấu, gọi là “Trung đội đỏ”. Khẩu hiệu hành động của đơn vị là Tim còn đập đèn còn sáng. Nhiều lần, bom đạn Mỹ đã làm hư hại cây đèn, thấu kính bị vỡ, máy nổ bị hỏng. Những người thợ thắp đèn vừa đánh trả máy bay địch, vừa sửa chữa, bảo đảm cho đèn bật sáng đúng giờ quy định.

Cho đến khi phải chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, giặc Mỹ đã đánh phá đảo đèn Long Châu 283 trận, ném xuống đảo trên 5.000 quả bom và bắn hàng trăm quả đạn tên lửa. Những ngọn núi đá vôi trên đảo nham nhở hố bom, vết đạn. Cây đèn biển mình đầy thương tích. Nhưng “Con mắt ngọc” của Cảng Hải Phòng không lúc nào ngừng phát sáng. Các tàu nước ngoài vẫn theo tín hiệu ánh sáng của đèn Long Châu để vào Cảng, ngay trong những thời điểm chiến tranh ác liệt nhất. Cán bộ, công nhân thắp đèn trên đảo Long Châu đã được Quốc hội, Chính phủ tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”. Tiểu đoàn tự vệ Ty Bảo đảm Hàng Hải, trong đó có Trung đội tự vệ đảo đèn, được tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng thời gian đánh phá đảo đèn Long Châu, máy bay Mỹ đánh đảo đèn Hòn Dấu 116 trận; đồng thời liên tục đánh phá các đảo Cát Bà, Cát Hải, bán đảo Đồ Sơn hệ thống nhà đèn và phao đèn trên luồng vào Cảng. Các chiến sĩ tự vệ Ty Bảo đảm Hàng Hải và tổ đèn Nam Triệu, do anh hùng Phùng Văn Bằng chỉ huy, đã đánh trả địch quyết liệt, phối hợp tốt với các lực lượng phòng không trên địa bàn thành phố, duy trì hoạt động liên tục, theo đúng quy định của hệ thống đèn hiệu, dẫn đường cho các tàu nước ngoài ra vào cảng an toàn.

Sau hơn một năm tiến hành chiến tranh phá hoại với quy mô ngày càng lớn [3] mà không đạt được các mục tiêu, đặc biệt là không ngăn chặn được sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, ngày 01/4/1966, Giôn-xơn thông qua một kế hoạch đánh phá mới mang tên chiến dịch ''Sấm rền 50'' nhằm vào hai hệ thống mục tiêu là khu công nghiệp và toàn bộ hệ thống kho xăng dầu của miền Bắc.

Cho đến đầu năm 1966, nguồn tiếp nhận xăng dầu vào miền Bắc được thực hiện chủ yếu bằng đường biển qua Cảng Hải Phòng, khối lượng tiếp nhận hàng năm khoảng 300.000 tấn. Khu kho chính ở Hải Phòng là Thượng Lý. 

Dự đoán đúng âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch, ngay từ đầu năm 1965, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã trực tiếp làm việc với Thường vụ Thành ủy và Ủy ban hành chính Hải Phòng, chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó. Tháng 5/1966, Thành ủy cùng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải Phòng họp với các ngành Trung ương có liên quan, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, lực lượng giao thông vận tải triển khai kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển và sơ tán, phân tán bảo vệ xăng dầu trong tình huống địch đánh phá.

Đối với kho dầu Thượng Lý, Thành ủy trực tiếp đôn đốc và kiểm tra việc phân tán hết xăng dầu ra khỏi khu kho chính, đưa về các điểm sơ tán ở khắp các thôn xã. Đến ngày 10/6/1966, hơn 90% lượng xăng dầu đã được chuyển ra khỏi khu kho chính, được phân tán ở 2.000 điểm khắp các thôn xã, ven các trục đường giao thông thủy bộ.

11 giờ 47 phút ngày 29/6/1966, hàng chục máy bay của hải quân Mỹ, bay thấp theo dọc sông Thái Bình và sông Văn Úc, đến núi Voi, ngoặt lên hướng Tây Bắc, lấy độ cao và bổ nhào, ném bom, bắn tên lửa xuống kho Thượng Lý.

Các đại đội 47, 48, 49 pháo cao xạ đặt trận địa ở sông Mới đã kịp thời nổ súng bắn rơi 1 máy bay, làm rối loạn đội hình của chúng. Ở khu kho Thượng Lý, các đại đội 511, 586, 386 và lưới lửa tầm thấp của tự vệ các nhà máy, khu phố, bắn rơi 2 chiếc. Theo phương án đã được diễn tập các lực lượng chữa cháy và trung đội tự vệ phòng hoả của kho Thượng Lý nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện dập tắt các đám cháy. Hơn 1.000 tự vệ các xí nghiệp và đường phố, dưới sự chỉ huy của Khu đội Hồng Bàng, lao vào các kho dập lửa, cứu tài sản, kịp thời ngăn không cho xăng dầu trôi xuống dòng sông Cấm, có thể gây cháy trên mặt sông và lan tới khu vực Cảng. Đến 19 giờ, tất cả các đám cháy đã được dập tắt.

Trận chiến đấu ngày 29/6/1966 bảo vệ khu kho Thượng Lý ngay tại trung tâm thành phố, mở đầu một giai đoạn chiến đấu mới của quân và dân Hải Phòng. Chủ động chuẩn bị từ sớm, tổ chức lực lượng đánh địch và giải quyết hậu quả một cách tích cực và phù hợp, quân và dân thành phố Cảng đã làm thất bại âm mưu địch ngay từ trận đánh phá đầu tiên của chúng. Ngoài thành tích bắn rơi ba máy bay địch, ta còn bảo vệ được tổng kho nhiên liệu, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất [4]. Trận chiến đấu còn có ý nghĩa như một trận tập dượt trên toàn bộ các mặt: Chiến đấu, phòng tránh, giải quyết hậu quả ở một thành phố công nghiệp đông dân, chuẩn bị cho nhân dân và các lực lượng vũ trang toàn thành bước vào những trận chiến đấu liên tục ác liệt hơn trong những ngày tới.

 Cuộc chiến đấu bảo vệ các kho chứa, các phương tiện vận tải, tiếp nhận xăng dầu ở Hải Phòng diễn ra liên tục và ác liệt trong suốt mùa hè năm 1966. Giới quân sự Mỹ buộc phải thừa nhận “Các cố gắng hạn chế thêm nữa khả năng xăng dầu của Bắc Việt Nam là điều không thể thực hiện được[5]. “Tính đến tháng 7/1966, các hoạt động ném bom của Mỹ ở Việt Nam đã không có ảnh hưởng trực tiếp đáng kể nào đến khả năng của Hà Nội trong việc tiến hành và hỗ trợ các hoạt động quân sự ở miền Nam ở mức hiện nay” [6]. “Rõ ràng là việc oanh tạc các kho dầu đã thất bại. Không có bằng chứng gì tỏ ra rằng Bắc Việt Nam đã có thời kỳ khốn đốn về dầu...”[7].

Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ? Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…” 5.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch, khẳng định ý chí sắt đá của dân tộc, động viên quân và dân cả nước vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Thành ủy Hải Phòng, Đảng ủy-Bộ Tư lệnh 350 quyết định tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ và quân dân thành phố nhằm quán triệt sâu sắc chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và phát động phong trào “Làm theo lời Bác dạy”. Thi đua lập công dâng Bác, trong những ngày cuối tháng 7/1966, lực lượng phòng không ba thứ quân đã lập thêm nhiều chiến công mới. Tự vệ tàu VTS11 bắn rơi 1 máy bay A4 bằng súng bộ binh ngay trên luồng vận chuyển. Dân quân xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay địch đang bay thấp trên triền sông Thái Bình. Đại đội 21 (Trung đoàn 50) sử dụng pháo 40 ly bắn tan xác 1 máy bay A4. Ngày 1 tháng 8, các trận địa pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 240 và 252 hiệp đồng đánh địch từ xa, bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Ngày 2 tháng 8, các Đại đội 172, 174, 175, 177 pháo cao xạ 100 ly, phối hợp với lưới lửa tầm thấp của dân quân tự vệ, bắn rơi 5 máy bay địch trong một trận chiến đấu kéo dài chỉ 5 phút.

Ngày 05 tháng 8, vào lúc 7 giờ 25 phút, Tiểu đoàn 82 tên lửa phòng không bắn rơi tại chỗ 1 máy bay Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 50 bị bắn rơi trên vùng trời Hải Phòng.

Kịp thời biểu dương những chiến công xuất sắc nói trên, ngày 05/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen quân và dân thành phố Cảng. Người viết:

Từ mùng 2 đến mùng 5 tháng 8 năm 1966, quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu dũng cảm, liên tiếp đập tan các cuộc tiến công của địch, giành được thắng lợi vẻ vang, bắn rơi chín máy bay của giặc Mỹ. Tính đến hôm nay, Hải Phòng đã bắn rơi 50 máy bay Mỹ.

Quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu giỏi, tiến bộ nhiều về phòng không nhân dân và bảo vệ trật tự trị an.

Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Hải Phòng.

Giặc Mỹ hung ác, chúng còn âm mưu đánh phá Hải Phòng nhiều nữa. Quân và dân Hải Phòng cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu giỏi hơn nữa, sản xuất giỏi hơn nữa, bảo vệ trật tự trị an tốt hơn nữa và lập nhiều thành tích to hơn nữa1.

Trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở Hải Phòng, việc bắt sống được giặc lái là một yêu cầu rất cao. Lợi dụng khu vực mục tiêu nằm kề sát biển, giặc lái Mỹ thường bay sâu vào trong đất liền, khi quay trở ra mới bổ nhào, ném bom, bắn phá. Bằng thủ đoạn ấy, nếu máy bay bị trúng đạn, chúng có thể lết ra biển rồi nhảy dù. Hạm đội 7 của Mỹ ngoài biển Đông tổ chức sẵn một lực lượng thường trực cứu giặc lái gồm một số máy bay lên thẳng, máy bay đậu trên mặt nước cùng một số máy bay phản lực làm nhiệm vụ bảo vệ.

Ngày 31/8/1966, trung đội súng máy cao xạ của Trung đoàn 252 phục kích trên đảo Đình Vũ, phối hợp với dân quân tự vệ bắn rơi tại chỗ một máy bay RF 8. Tên giặc lái nhảy dù xuống cửa Nam Triệu cách trận địa 500m. Nhưng do ta chèo thuyền ra chậm và hiệp đồng không tốt, địch cứu được tên giặc lái.

Sau sự kiện trên Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350 đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm, quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay địch, bắt sống được giặc lái. Đồng chí Nguyễn Sĩ Đô, Trưởng ban dân quân Bộ Tư lệnh 350, được cử xuống huyện Cát Hải, cùng các cán bộ của huyện ủy và huyện đội xây dựng quyết tâm và tổ chức lực lượng bắt giặc lái khi chúng nhảy dù xuống biển. Các đơn vị tên lửa, pháo cao xạ, pháo bờ biển, công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ trên bờ có kế hoạch chiến đấu bảo vệ lực lượng bắt giặc lái.

 

 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, Tập 12, tr. 115

 

Ngày 01/11/1966, Đại đội 172 pháo cao xạ bắn rơi 1 máy bay A-4. Tên giặc lái nhảy dù xuống cửa Nam Triệu, gần xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải. Ngay lập tức, dân quân xã Hoàng Châu và các xã Hoàng Động, Trung Hà (huyện Thủy Nguyên) đang đánh bắt cá ở khu vực cửa Nam Triệu, cùng các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang chèo thuyền lao ra khu vực tên giặc lái nhảy dù. Cùng lúc, phi đội cứu giặc lái của Mỹ cũng xuất hiện. Chúng quần đảo, uy hiếp, bắn phá các xã ven biển Hoàng Châu, Phù Long, đảo Đình Vũ và ngăn chặn các thuyền của ta. Từ Sở chỉ huy Phòng không thành phố, đồng chí Trần Kiên, Bí thư Thành ủy, sử dụng hệ thống truyền thanh trực tiếp chỉ đạo lực lượng đánh trả máy bay địch, buộc chúng phải giãn ra xa, yểm hộ cho lực lượng bắt giặc lái. Trận chiến đấu trên vùng biển Nam Triệu diễn ra căng thẳng, quyết liệt. Một chiếc thuyền của công an vũ trang bị địch bắn chìm, đồng chí Vũ Đức Thắng cùng 2 chiến sĩ bơi sang thuyền của dân quân vừa bắn trả địch, vừa lái thuyền bơi nhanh về phía tên giặc lái. 2 thuyền của dân quân Thủy Nguyên, Cát Hải bị bắn thủng. 2 người hy sinh, 1 bị thương. Các thuyền còn lại không hề nao núng, nhanh chóng bịt lỗ thủng không cho nước tràn vào, tiếp tục tiến về phía mục tiêu. Lúc này, số máy bay địch yểm hộ cho phi đội cứu giặc lái lên tới 20 chiếc. Chúng quần đảo dữ đội, ném bom, bắn xối xả quanh các thuyền của ta. Bầu trời, mặt nước vùng cửa Nam Triệu mù mịt khói lửa. Khi chiếc máy bay đậu trên mặt nước của địch hạ độ cao, chuẩn bị thả thang dây cho tên giặc lái leo lên thì chiếc thuyền của công an vũ trang do Lê Xuân Trình chỉ huy cũng kịp lao tới túm lấy tên giặc lái, lôi lên thuyền. Các trận địa pháo cao xạ trên bờ và các tay súng của bộ đội, công an vũ trang và dân quân trên các thuyền đánh trả quyết liệt máy bay địch, bảo vệ thuyền chở tên giặc lái vào bờ. Dân quân và nhân dân xã Hoàng Châu ùa ra, bốc cả thuyền và tên giặc lái lên bãi phi lao.

Từ lúc Đại đội 172 nổ súng bắn rơi máy bay địch cho đến khi bắt được tên giặc lái, trận đánh kéo dài 60 phút. Tên giặc lái Russen Carpento, cấp bậc đại uý bị bắt sống. Theo nguyện vọng của nhân dân, trước khi đưa hắn vào trại giam, ta cho hắn ngồi trên một chiếc xe không mui chạy qua một số đường phố nội thành để mọi người tận mắt nhìn thấy tên cướp trời Mỹ.

Trong trận đánh phá thành phố vào lúc 9 giờ sáng ngày 26/4/1967, một máy bay địch bị bắn rơi tại chỗ, tên giặc lái nhảy dù xuống biển, cách Đông Nam Hòn Dấu khoảng 2.500m. Phi đội cứu giặc lái từ ngoài biển nhanh chóng xuất hiện, tìm cách cứu đồng bọn. Đây là khu vực các trận địa phòng không của ta bố trí ở Đồ Sơn đều không bắn được do xạ giới bị che khuất. Kiên quyết tiêu diệt địch, khẩu đội 8 pháo mặt đất thuộc Đại đội 16, được tự vệ khu Giao tế giúp sức, đã nhanh chóng kéo pháo từ hầm chính ra sát bờ biển. Chờ đúng lúc chiếc máy bay trực thăng dừng trên không thả thang dây cho tên giặc lái leo lên, khẩu đội lập tức nhả đạn. Phát thứ nhất, đạn nổ gần mục tiêu, khiến tên giặc lái khiếp đảm buông tay khỏi thang dây, rơi xuống biển. Phát thứ hai trúng ngay chiếc trực thăng khiến nó nổ tung, toàn bộ bọn địch trên máy bay cùng tên giặc lái bị tiêu diệt. Chiến công xuất sắc dùng pháo mặt đất bắn rơi trực thăng của khẩu đội 8 được cấp trên đánh giá rất cao. Khẩu đội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Văn Tiến Dũng-Tổng Tham mưu trưởng đến tận trận địa thăm và khen ngợi ''Đã đánh tốt, tiêu diệt cả bọn đến cứu và tên được cứu, làm cho giặc Mỹ mất cả chì lẫn chài, mở ra cách đánh mới cho pháo binh Việt Nam'' [8].

Tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ nhằm làm suy yếu tiềm lực của ta về mọi mặt. Là thành phố đông dân, khu công nghiệp lớn, đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của miền Bắc, nên việc gìn giữ lực lượng ta, bảo vệ tốt con người và cơ sở vật chất là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của Đảng bộ, quân dân Hải Phòng. Vận dụng kinh nghiệm các địa phương, nhất là của Khu 4, Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố phát động nhiều chiến dịch làm hầm hố và đã có nhiều chủ trương, biện pháp kiên quyết để triển khai công tác này.

Thực hiện khẩu hiệu “Phòng tránh cũng là đánh giặc”, nhân dân Hải Phòng đã sáng tạo nhiều kiểu hầm có độ bền vững cao, thuận tiện, thích hợp với điều kiện của một thành phố công nghiệp đông dân, đáp ứng yêu cầu “Bốn liền” (liền nhà, liền giường, liền đường, liền nơi làm việc) và “Ba trừ” (loại trừ đạn 20 ly, loại trừ bom bi, loại trừ mảnh tên lửa và mảnh bom phá nổ gần).

Theo thống kê, trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhân dân Hải Phòng đã xây dựng được 136.451 hầm kèo tre, 13.132 hầm tập thể kiên cố ở các nơi công cộng, 53.657 hầm tre gỗ đắp đất, 50.600 hố xi măng có nắp, 7.880 hố xi măng không nắp, 334.817 hố đất, 50.976m giao thông hào xây 578.148m giao thông hào đất, 648 hầm trên tàu thuyền đánh cá 2.

Theo kế hoạch của Ủy ban hành chính thành phố, các cơ quan xí nghiệp tiến hành sơ tán đến khu vực đã được xác định. Cuối năm 1966 gần 100 nhà máy xí nghiệp ở Hải Phòng đã được sơ tán khỏi nội thành.

Sơ tán ở huyện nào, xã nào, các nhà máy xí nghiệp, cơ quan, trường học đều phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương về chiến đấu, phòng tránh, giữ gìn trật tự trị an. Các xí nghiệp sơ tán ở địa phương nào phải trực tiếp giúp đỡ một hoặc hai hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Khi có chiến đấu phải huy động lực lượng và khả năng vật chất kỹ thuật của xí nghiệp, góp phần giải quyết hậu quả và bảo đảm giao thông vận tải ở địa phương.

Cùng với các nhà máy xí nghiệp, phần lớn cơ quan Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố, các sở, ty cũng được sơ tán ra ngoại thành. Riêng Sở Bưu điện theo đề nghị của Đảng ủy Bộ Tư lệnh 350, Thành ủy và Ủy ban hành chính Hải Phòng quyết định 100% cán bộ công nhân viên không đi sơ tán mà bám trụ ở nội thành làm nhiệm vụ.

Học sinh các trường phổ thông sơ tán theo gia đình được nhận vào học ở trường của địa phương. Sở Giáo dục tăng cường giáo viên cho các trường có nhiều học sinh sơ tán. Các lớp học được bố trí phân tán, có hầm hào đầy đủ.

Trong quá trình vận động sơ tán, Hải Phòng đã sáng tạo ra năm hình thức thích hợp để giải quyết cụ thể cho từng loại đối lượng: Sơ tán lâu dài (về quê cũ hoặc ra vùng nông thôn, sang các tỉnh bạn); sơ tán một bộ phận ra ngoại thành; phân tán mỏng số người còn lại trong nội thành; sơ tán khẩn cấp nơi trọng điểm trước khi địch đánh phá; vận động tạm lánh đối với những người không có điều kiện sơ tán lâu dài.

Các ngành thương nghiệp tài chính, lương thực được Ủy ban hành chính thành phố giao nhiệm vụ cấp phát tem phiếu đầy đủ kịp thời cho nhân dân đi sơ tán.

Bằng các chủ trương biện pháp tích cực và sáng tạo, lại được nhân dân tự giác, hăng hái chấp hành, được sự ủng hộ giúp đỡ, cưu mang đùm bọc của đồng bào ngoại thành và của các tỉnh bạn, Hải Phòng đã tổ chức tốt việc sơ tán. Số người đi sơ tán năm 1965 có 9 vạn, năm 1966 lên 12 vạn, năm 1967 lên tới 171.000 người. Trường học sơ tán 100%; các cơ quan hành chính sự nghiệp sơ tán 73,79%. Khối công nghiệp, có 165 cơ sở thì 62 cơ sở sơ tán toàn bộ, 69 cơ sở sơ tán một bộ phận, 8 cơ sở sơ tán hẳn sang tỉnh khác, còn lại 26 cơ sở được lệnh trụ bám trong nội thành nhưng cũng được phân tán mỏng ở 226 địa điểm [9].

Trong mỗi trận đánh phá Hải Phòng, địch thường ném bom, bắn tên lửa vào nhiều điểm hòng gây hoang mang, uy hiếp tinh thần nhân dân. Dự kiến trước tình hình đó, thành phố đã sớm thành lập các tổ, đội cứu hoả, cứu sập ở khắp các đơn vị và cơ sở kết hợp với các đội cơ động mạnh ở các cấp. Chưa tính lực lượng của các nhà máy xí nghiệp, riêng ba khu phố nội thành đã thành lập 532 tổ đội chống cứu sập, cứu hoả ở tất cả các tiểu khu, đường phố gồm 8.112 người, chủ yếu là các thanh niên có sức khoẻ, có tinh thần trách nhiệm cao và dũng cảm. Các tổ đội chuyên môn này dựa vào dân, tận dụng khả năng tại chỗ và khả năng của các ngành, lấy lực lượng tự vệ làm nòng cốt xung kích. Với lợi thế của một thành phố công nghiệp, các tổ đội chuyên môn trên đều có đầy đủ phương tiện dụng cụ cả thủ công và máy móc thiết bị để làm công tác khắc phục hậu quả.

Về công tác cứu chữa người bị thương, các cấp đều tổ chức lực lượng cấp cứu tải thương đông đảo rộng khắp, hình thành các tuyến cấp cứu phòng không từ tiểu khu, hợp tác xã, xã, huyện, khu phố đến thành phố, kết hợp chặt chẽ giữa quân, dân y. Toàn thành phố đã tổ chức 1.362 tổ cấp cứu, tải thương với 9.062 người cùng 5.000 hội viên chữ thập đỏ, hàng nghìn võng cáng, hàng trăm xe xích lô có thiết bị tải thương, 12.237 tủ thuốc ở cơ sở. Ngoài ra còn có 8 đội cấp cứu cơ động ở huyện, 24 đội cấp cứu cơ động ở ba khu phố nội thành 2.

Ngay từ khi mới bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh 350 đã dự kiến mục tiêu đánh phá chủ yếu của chúng sẽ là hệ thống giao thông vận tải, trọng điểm là khu vực Cảng 1. Đảng ủy Bộ Tư lệnh đã tham mưu cho Thành ủy ra nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác bảo đảm giao thông vận tải. Thành ủy xác định “Bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, duy trì hoạt động của Cảng là nhiệm vụ trung tâm số một của Đảng bộ, quân dân thành phố. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không thể để giao thông vận tải bị bế tắc, phải đảm bảo cho Cảng hoạt động liên tục, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, sản xuất, chi viện chiến trường. Hoạt động của lực lượng giao thông vận tải là hoạt động chiến đấu. Cảng Hải Phòng, Ty Bảo đảm Hàng Hải và toàn bộ ngành giao thông vận tải của thành phố phải thực hiện quân sự hoá” 2.

Mùa khô 1966 - 1967, cùng với việc tăng quân, mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai ở miền Nam, đế quốc Mỹ đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Mục đích của địch trong đợt đánh phá mới này là cô lập Hải Phòng với Hà Nội, cô lập Hà Nội-Hải Phòng với các khu vực khác, làm tê liệt giao thông vận chuyển từ Bắc vào Nam, đặc biệt là từ ngoài vào miền Bắc. Các hoạt động đánh phá không phải là từng mục tiêu riêng lẻ như trước mà đánh vào toàn bộ 6 hệ thống mục tiêu then chốt: Điện lực, công nghiệp, giao thông, cơ sở quân sự, kho nhiên liệu và hệ thống phòng không. Ngày 20/4/1967, địch huy động 125 lần chiếc máy bay đánh phá ba đợt liên tiếp vào trung tâm thành phố và hầu hết các nhà máy xí nghiệp thuộc khu công nghiệp Hải Phòng.

Ngày 25 tháng 4, địch lại huy động 175 lần chiếc máy bay mở ba đợt ném bom ác liệt vào các mục tiêu chúng đã đánh phá ngày 20 tháng 4.

Sau các đợt đánh phá quy mô lớn kể trên, từ tháng 6/1967, địch tập trung đánh phá hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, đường ven biển từ Hải Phòng đi các nơi nhằm “bịt kín cổ lọ”, “đánh bên trong lọ” và chặn phá ở “đáy lọ” 3. Ở “cổ lọ”, địch thả mìn xuống các luồng lạch tàu thuyền ra vào cảng, ném bom phá hủy các phương tiện và hàng hoá ở cảng, cần thiết sẽ phong toả cảng; “bên trong lọ” chúng đánh các kho hàng, khu vực để nhiên liệu, các cầu, ga xe lửa và các mục tiêu khác. Ở “đáy lọ”, chúng tập trung đánh vào các tuyến đường giao thông thủy bộ bao vây cô lập triệt để Hải Phòng. Chúng biết rõ, mỗi năm miền Bắc phải nhập khoảng 2,4 triệu tấn hàng các loại, 85% số đó được nhập qua Hải Phòng, trong đó có toàn bộ thiết bị, vũ khí nặng, xăng dầu.

Thực hiện kế hoạch trên, từ ngày 04 đến ngày 09/8/1967, hàng trăm lần chiếc máy bay Mỹ ném bom nổ ngay và chưa nổ xuống nhiều mục tiêu giao thông, cách trung tâm thành phố từ 20 đến 30km.

Phía Đông Bắc, chúng đánh bến phà Rừng, bến Đụn, cầu Giá, cầu Đá Bạc, đập Minh Đức, ném hàng trăm quả bom chờ nổ xuống lòng sông Giá, sông Đá Bạc, sông Kinh Thầy, ngăn chặn đường vận chuyển từ Hải Phòng đi Hà Bắc, Hà Nội bằng đường thủy.

Phía Tây Bắc, chúng liên tục đánh cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, đoạn đường sắt qua ga Dụ Nghĩa, khu vực Thượng Lý, Hạ Lý, cầu Xe lửa, cầu Xi Măng, rải bom chờ nổ xuống lòng sông Vân Dương, sông Hàn, ngã ba Kênh Đồng, Kênh Mía, chặn con đường chiến lược từ Hải Phòng lên Hà Nội.

Phía Tây, chúng đánh cầu Nghìn, bến phà Quý Cao, bến phà Cựu trên đường 10, bến phà Khuể đi Tiên Lãng, rải bom mìn xuống các bến bãi ven sông Luộc, các luồng sông Thái Bình, Văn Úc, sông Mới, chặn tất cả các tuyến đường bộ và đường sông từ Hải Phòng đi Thái Bình, Hà Nam Ninh và các tỉnh phía Nam.

Đến ngày 09 tháng 8, đế quốc Mỹ đã dựng lên tuyến phong toả thứ nhất từ Tây Bắc xuống Tây Nam thành phố.

Nửa cuối tháng 8/1967, chúng đánh bến phà Kiến An, đánh sập cầu Rế, cắt đường 10 với đường 5, đánh phá ác liệt khu vực Cảng mới, Quán Toan, bến phà Kiền Bái, chia cắt đường 5 với đường 18 và đường đi Quảng Ninh. Chúng còn thả bom chờ nổ xuống các lòng sông và các bến bãi ven sông Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Kinh Thầy tạo nên tuyến phong toả thứ hai cách trung tâm thành phố trên dưới 10km. Đồng thời, địch tiếp tục đánh phá, thả bom mìn bổ sung, duy trì tuyến phong toả thứ nhất.

Đêm ngày 02 tháng 9, địch đánh sập cầu Rào, cầu Niệm, thả mìn, bom chờ nổ xuống dòng sông Lạch Tray. Những ngày sau đó chúng đánh cầu Xe lửa, cầu Xi măng, cầu phao chợ Sắt, cầu phao Hiệp Hưng; rải mìn với mật độ dày đặc xuống đoạn sông từ Nhà máy Xi măng qua Xưởng 25, Xưởng Đóng tàu 3, sông đào Hạ Lý, sông Tam Bạc tạo nên tuyến phong toả thứ ba. Đến cuối tháng 9/1967, khu vực nội thành Hải Phòng, mà trung tâm là Cảng, đã bị phong toả bởi ba tuyến. Khoảng cách giữa các tuyến chừng 10km. Toàn bộ hệ thống cầu, bến phà, đường giao thông thủy bộ ra vào thành phố đều bị đánh phá. Số lượng bom mìn địch ném xuống ba tuyến phong toả này tính từ ngày 04 tháng 8 đến ngày 02/9/1967 là 11.492 quả bom phá nổ ngay 2.277 quả bom mìn chờ nổ, 736 quả bom bi mẹ (mỗi quả chứa 540 bom bi con), 7.221 quả tên lửa…[10]. Những ngày sau đó, địch còn nhiều lần thả bom mìn bổ sung, duy trì ba tuyến phong toả kể trên.

Thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn, phong toả của địch vô cùng nham hiểm, thâm độc. Mặc dù chưa dám đánh thẳng vào Cảng Hải Phòng, cũng chưa dám thả mìn xuống các luồng tàu nước ngoài ra vào Cảng vì sợ phản ứng của dư luận quốc tế nhưng bằng việc phong toả tất cả các luồng sông, địch cho rằng hàng hoá ở Cảng Hải Phòng sẽ bị ứ đọng không thể vận chuyển đi các nơi. Đồng thời, với việc thả bom mìn, chúng tăng cường khống chế các hoạt động của Cảng, đe doạ tàu nước ngoài, đuổi bắn từng chiếc ô tô, ca nô, tàu thuyền vận tải của ta. Ngoài bom nổ ngay, thời kì này địch sử dụng sáu loại bom từ trường có thể tự nổ, va nổ, nổ liên tiếp nhiều quả trong một lúc và nổ xen kẽ liên tục 24 giờ trong ngày. Càng vào gần trung tâm thành phố, mật độ bom ném xuống càng dày đặc. Cầu Nghìn cách nội thành 30km thường xuyên có từ 18 đến 20 quả bom chờ nổ. Các bến phà Quý Cao, Tiên Cựu, Khuể cách nội thành 15 đến 20km số bom nhiều gấp mười lần. Ta làm nhiều đường tránh, đường 5b, đường liên huyện, liên xã. Các cầu ra vào thành phố như cầu Rào, cầu Niệm, cầu Xe lửa, cầu Hạ Lý, cầu Xi Măng (cầu Thượng Lý) bị địch đánh liên tục. Số bom chờ nổ địch ném xuống mỗi cây cầu này nhiều gấp 20 lần số bom địch ném xuống cầu Nghìn. Chỉ một đoạn sông từ cầu Niệm đến cầu An Dương dài chưa đầy 2.000m đã có 721 quả bom chờ nổ nằm chặn 1.

Với tinh thần “Tim còn đập, Cảng còn hoạt động”, “Máu có thể đổ, nhưng cầu phà phải bảo đảm lưu thông” các chiến sĩ giao thông vận tải cùng quân dân thành phố đã nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, phát huy trí thông minh sáng tạo giải quyết thành công nhiều việc tưởng chừng như không thể làm được. Cầu Quay, cầu Xi Măng, cầu Niệm bị đánh hàng chục lần, nhưng địch đánh ta lại sửa, đánh 1 cầu ta làm thêm 2, 3 cầu khác, chưa một lần để ùn tắc giao thông quá 36 giờ. Cứ sau mỗi lần giải toả một trọng điểm bị địch đánh phá ngăn chặn, lực lượng giao thông vận tải của thành phố lại có thêm nhiều kinh nghiệm hay, sáng tạo thêm nhiều cách bảo đảm giao thông mới như làm cầu phao “gật gù” để phù hợp với biên độ thủy triều lên xuống; làm cầu cáp mặt liền đảm bảo lưu lượng từ 700 đến 1.200 xe/ngày mà vẫn không ảnh hưởng đến đường thủy. Ngành giao thông vận tải thành phố còn có sáng kiến xây dựng các bến phà bằng các khối bê tông đúc sẵn có thể dùng xà lan, cần cẩu cơ động từ vị trí này sang vị trí khác, hoặc sáng kiến ghép phà đôi phục vụ các xe đặc chủng đưa tên lửa qua sông. Các lực lượng công binh phá bom nổ chậm của thành phố đã sáng tạo ra nhiều kiểu rà phá, kết hợp cả phương pháp thủ công với phương pháp rà phá bằng kỹ thuật tương đối hiện đại và hiện đại, rà phá ngày càng có hiệu quả.

Ngày 22/10/1967, địch ném gần 400 quả bom các loại xuống nhiều khu vực, sáng ném xuống Thượng Lý, cắt đứt đường sắt và đường bộ, trưa ném vào cầu phao chợ Sắt, chiều ném xuống cầu phao cầu Niệm, làm cho thành phố chỉ còn một lối đi theo phà Bính, rồi qua phà Kiền Bái để ra đường 5. Nhưng chỉ trong một đêm ta đã khai thông. Ngày 15/3/1968, địch rải gần 100 quả bom nổ chậm và hàng trăm bom phá xuống sông Lạch Tray ở khu vực cầu Niệm, nhưng chỉ trong vòng 21 giờ ta đã thông luồng và đảm bảo vượt sông an toàn 1. Qua thực tiễn đối phó với địch trên mặt trận giao thông vận tải, bảo vệ Cảng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh 350 sớm nhận rõ vấn đề nổi bật nhất, khâu mấu chốt nhất, đồng thời cũng là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch chính là “Tổ chức vượt sông” và “Khai thông luồng lạch”. Nếu vượt được sông, thông được luồng lạch thì bảo đảm vận chuyển được hàng. Vì vậy, thành phố đã tập trung cao nhất mọi khả năng cho khâu then chốt này. Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố tổ chức 250 tổ, đội gồm 2.768 người và 300 thanh niên xung phong chuyên trách làm công tác bảo đảm giao thông, 28 tổ phá bom gồm 860 người. Vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vật tư bảo đảm giao thông năm 1968 tăng gấp 5 lần năm 1965. Trong 4 năm (1965 - 1968), thành phố đã xây dựng được 400 công trình giao thông lớn nhỏ, dự trữ 5.000 m3 đá, 135 tấn sắt, 100 m3 gỗ, 300 m cầu lắp, làm 18 bến phà, 5 mố cầu phao, 558 m cầu phao sắt, 570 m cầu cáp… Sẵn sàng ứng cứu và khôi phục giao thông khi bị địch đánh phá. Để phá thế vận chuyển độc tuyến, thành phố đã mở mới 175km đường lớn, hơn 1.000km đường nông thôn, 27 đường vòng tránh và nhiều tuyến đường khác. Nhân dân các xã ven đường giao thông gần các trọng điểm tích cực hưởng ứng phong trào “Mỗi người dân có một loại phương tiện, vật liệu” để sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả đánh phá của địch 2.

Đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc, những hy sinh to lớn, những đóng góp xuất sắc của quân dân Hải Phòng, ngày 29/4/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân dân thành phố. Đây là thành phố, tỉnh đầu tiên trên miền Bắc được nhận phần thưởng cao quý này. Cuộc chiến đấu của quân dân Hải Phòng được Đảng, Nhà nước khen ngợi “Tiêu biểu cho cuộc chiến đấu anh dũng tuyệt vời của các thành phố lớn… Hải Phòng xứng đáng là thành phố Cảng anh hùng của nước Việt Nam anh hùng” 3.

Để kịp thời lãnh đạo các lực lượng vũ trang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại, vừa chiến đấu vừa xây dựng thành phố đồng thời đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho tuyền tuyến lớn, theo chỉ đạo của Quân khu ủy và Thành ủy, từ ngày 22 đến 24/7/1968, Đại hội Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 lần thứ nhất được tiến hành. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 09 đồng chí. Đồng chí Đỗ Chính được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Lương Thịnh là Phó Bí thư. Đồng chí Nguyễn Hữu Thành là ủy viên Thường vụ. Các đồng chí Nguyễn Trường Xuân, Phạm Xưởng, Nguyễn Chất, Trịnh Đình Hoành, Lê Ban, Đỗ Giản là Đảng ủy viên.

Qua 4 năm chiến đấu gian khổ, các lực lượng bảo đảm giao thông chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, công binh nhân dân, công binh của bộ đội địa phương Hải Phòng ngày đêm bám sát các bến phà, mặt đường, trên các phương tiện, từng giờ, từng phút đối mặt giữa cái sống và chết để rà phá bom mìn, thông luồng, thông đường, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải. Riêng các đơn vị công binh của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã rà phá, tháo gỡ được 640 quả bom nổ chậm các loại.

Với tinh thần “Thêm một cân hàng ra tiền tuyến là diệt thêm một quân thù”; “Mặt đường, sông nước là chiến trường, phương tiện là vũ khí, công nhân là chiến sĩ” quyết tâm bám sông bám bến, bám phà, bám phương tiện, đảm bảo vượt sông, thông đường, thông luồng lạch để vận tải liên tục, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Hải Phòng đã có những cố gắng phi thường, lập nên những chiến công xuất sắc. Khối lượng hàng hoá vận chuyển (cả đường sắt đường bộ, đường sông), trong những năm chiến tranh tuy có giảm so với năm 1964 (năm đạt khối lượng vận chuyển cao nhất trước chiến tranh) nhưng vẫn hoàn thành cơ bản nhiệm vụ phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo đảm đời sống, chi viện chiến trường mà Trung ương giao cho. Năm 1955, đạt 210.000 tấn; năm 1960, đạt 3.017.000 tấn; năm 1964, đạt 4.868.000 tấn; năm 1965, đạt 4.247.000 tấn; năm 1966, đạt 3.638.000 tấn; năm 1967, đạt 2.710.000 tấn ; năm 1968, đạt 2.981.000 tấn 1. Khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua Cảng năm 1955 đạt 158.000 tấn; năm 1960, đạt 1.693.000 tấn; năm 1964, đạt 2.410.000 tấn; năm 1965, đạt 2.200.000 tấn; năm 1966, đạt 1.773.000 tấn; năm 1967 , đạt 1.566.000 tấn; năm 1968, đạt 1.880.000 tấn 2. Số lượt tàu nước ngoài cập Cảng Hải Phòng năm 1955 có 56 lượt (36 tàu các nước xã hội chủ nghĩa); năm 1960 có 344 lượt tàu (173 tàu các nước xã hội chủ nghĩa); năm 1964 có 401 lượt tàu (173 tàu các nước xã hội chủ nghĩa); năm 1965 có 318 lượt tàu (198 tàu các nước xã hội chủ nghĩa); năm 1966 có 320 lượt tàu (216 tàu các nước xã hội chủ nghĩa); năm 1967 có 352 lượt tàu (218 tàu các nước xã hội chủ nghĩa); năm 1968 có 458 lượt tàu (308 tàu các nước xã hội chủ nghĩa). Đó là chưa tính tàu trong nước chở hàng hoá đến một số nước anh em và đến các địa phương trên miền Bắc 3. Kết quả đạt được trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải, bảo vệ Cảng chẳng những có ý nghĩa to lớn về kinh tế, quốc phòng, sản xuất, chiến đấu ở cả tiền tuyến và hậu phương mà còn có ý nghĩa chính trị đối với quốc tế. Mặc dù đã dùng mọi thủ đoạn ngăn chặn, đánh phá hết sức ác liệt nhưng đế quốc Mỹ vẫn không thực hiện được ý đồ biến Hải Phòng thành một địa phương cô lập. Chúng không thể thực hiện được âm mưu phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của quân dân miền Bắc, không thể ngăn chặn nguồn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Việc tăng cường lực lượng cho tiền tuyến lớn và ra sức củng cố hậu phương vững mạnh trong chiến tranh là những nhiệm vụ bức thiết của quân dân Hải Phòng. Nhận thức rõ vị trí, yêu cầu và mối quan hệ của hai nhiệm vụ đó nên Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 đã nỗ lực vượt bậc lãnh đạo Lực lượng vũ trang thành phố làm tròn nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn, đồng thời góp phần không ngừng củng cố hậu phương ngày càng vững mạnh với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tiến lên “Thóc thừa cân, quân thừa người”, trong 4 năm. Hải Phòng luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch 23 đợt tuyển quân. Năm 1965, đạt 128%; năm 1967, đạt 108%; năm 1968, đạt 101%. Tỉ lệ thanh niên nhập ngũ trong 4 năm (1965 - 1968) so với tổng số lao động năm 1968 bằng 11,2%, so với nam thanh niên bằng 67,3%.

Cùng với huy động thanh niên nhập ngũ, từ năm 1965 đến năm 1968, thành phố đã điều động 10.428 cán bộ các cấp bổ sung cho các chiến trường và tham gia quân đội.

Đánh giá cao công tác động viên tuyển quân của thành phố Hải Phòng, năm 1968, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng quân dân Hải Phòng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cả 12 khu phố, huyện, thị xã và 136 xã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Có 7 xã hai lần được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất về thành tích tuyển quân là Phục Lễ (Thủy Nguyên), Vinh Quang, Hùng Thắng, Cấp Tiến (Tiên Lãng), Cổ Am (Vĩnh Bảo), An Hồng (An Hải), Hoà Nghĩa (An Thuỵ).

Do bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam, Bắc, ngày 01/11/1968, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc. Trong 4 năm tiến hành chiến tranh phá hoại đối với Hải Phòng, đế quốc Mỹ đã huy động 6.664 lần chiếc máy bay, đánh phá thành phố 982 trận, vào 2.359 lượt mục tiêu với 30.107 quả bom và tên lửa, giết hại và làm bị thuơng 4.576 người, phá hủy 10.504 căn nhà, 11 bệnh viện, 4 trường học, 4 nhà thờ, 34 nhà máy xí nghiệp… Nhưng những tội ác dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ đã không thể khuất phục được quân dân Hải Phòng, trái lại càng khiến quân dân thành phố thêm quyết tâm chiến đấu. Trong 4 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 217 máy bay Mỹ, bảo đảm giao thông vận tải và hoạt động bình thường của cảng biển. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các mặt văn hoá, xã hội, an ninh trật tự được giữ vững. Hàng vạn con em Hải Phòng tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong chiến đấu trên các chiến trường.

Thắng lợi của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, bảo vệ thành phố Cảng - Khu công nghiệp Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đảng bộ Bộ Tư lệnh 350 cùng quân dân Hải Phòng đã trực tiếp góp phần làm phá sản mục tiêu chiến lược chủ yếu của địch trong cuộc chiến tranh phá hoại là cắt đứt nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam, ngăn chặn từ gốc sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Chiến công của quân dân Hải Phòng trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đã góp phần đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pa - ri.

 

1 Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ngày 23.5.1965, Viện LSQS VN, trang 7.

1 Lịch sử Sư đoàn 350, NXB QĐND, H, 1997, trang 158.

2 Hải Phòng lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, NXB QĐND, H, 1989, trang 71.

3 Quyết định số 47/CT-1. Hồ sơ 17/266 lưu trữ Bộ CHQS Hải Phòng.

1, 2 Hải Phòng lịch sử kháng chiến…Sđd, trang 70, 59, 73.

 

 

[3] Đến tháng 12 năm 1965, Mỹ đã huy động 55.000 lần chiếc máy bay đánh phá miền Bắc, số lượt xuất kích từ 900 lần chiếc trong một tuần (7.1965) tăng lên 1.500 lần chiếc trong một tuần (12.1965).

[4] Kho xăng dầu Thượng Lý bị tổn thất gần l.000 tấn chủ yếu là dầu cặn và nhựa đường. Cùng thời điểm, địch đánh kho Đức Giang (Hà Nội), ta bị tổn thất hơn 95% (10.700 tấn).

[5], 3, 4 Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ… Sđd, trang 293, 294.

 

 

5 Hồ Chí Minh, tuyển tập, NXB Sự Thật, H, 1980, tập 2, trang 430

1 Hồ Chí Minh toàn tập, trang 12, NXB CTQG, H, 1995 trang 115.

[8] Lịch sử Trung đoàn bộ binh 50. NXB QĐND, H, 1999, trang 123.

2 Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Sđd, trang 101.

[9] Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Sđd, trang 104.

2 Sở Y tế Hải Phòng. Báo cáo về phục vụ cấp cứu chuyển thương của ngành y tế 1965-1972 lịch sử Bộ CHQS Hải Phòng, trang 107.

1 Sở Y tế Hải Phòng. Báo cáo về phục vụ cấp cứu chuyển thương của ngành y tế 1965-1972 lịch sử Bộ CHQS Hải Phòng, trang 107.

2 Đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất tại Hải Phòng, tài liệu đã dẫn trang 17.

3 Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại ở Hải Phòng, Sđd, trang 50.

[10]  Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Sđd, trang 52.

1 Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Sđd, trang 112.

1 Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Sđd, trang 14.

2, 3 Hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Hải Phòng. Sđd, trang 112, 117.

 

 

1 Chi cục thống kê Hải Phòng. Hải Phòng 15 năm xây dựng và phát triển 1955-1969, NXB Thống kê Hà Nội, 1970, trang 351, 555, 361.

2, 3 Chi cục thống kê Hải Phòng. Sđd, trang 361.

 

Đối tượng nào thuộc diện miễn hay tạm hoãn gọi nhập ngũ?
Thời điểm này, nhiều địa phương đã ra lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ năm 2025. Vậy trường hợp nào được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tại Khoản 1, Điều 41,...
Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân...
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào?
Chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như thế nào? Trả lời: Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP ngày 23-8-2021 của Bộ trưởng...
Lượt truy cập:
Hôm nay:
Trực tuyến: ...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trưởng Ban biên tập: Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố.

 Địa chỉ: Số 02, Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 069.814.105

 Email: bochihuyqshaiphong@gmail.com