Vĩnh Bảo là huyện có truyền thống văn hóa. Nơi đây đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên nét riêng của vùng đất linh thiêng. Tại đây có hàng trăm di tích lịch sử với hệ thống: đình, đền, chùa, miếu,... mang trọn nét đặc trưng văn hoá của người dân miền biển vùng đồng bằng duyên hải. Chiêm ngưỡng các di tích lịch sử ở huyện Vĩnh Bảo, chúng ta gặp những nét nghệ thuật cổ kính với hoa văn chạm trổ, điêu khắc... cầu kỳ và tinh xảo như tại miếu Bảo Hà, đình An Quý, đình Nhân Mục, đình Quán Khái, đình Cung Chúc...
Miếu Bảo Hà có bức tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể chuyển động, đứng lên ngồi xuống vô cùng độc đáo, Đình Cung Chúc với kiến trúc độc đáo: “Mười sáu lỗ đục qua cột cái/ Lưu truyền để lại một không hai”; đình An Quý với hệ thống cột đá cao to, được chạm khắc cầu kỳ tạo nên tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ... Không những vậy, các di tích còn là nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật có giá trị như câu đối, ỷ ngai, bài vị, cửa võng, cuốn thư, tranh khắc gỗ, những hiện vật đồ đồng, đồ đá, đồ gỗ... Tất cả đều được gìn giữ, bảo quản cẩn thận tạo nên nét đặc sắc, đặc trưng trong văn hoá làng, xã của người dân nơi đây.

Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng tôn giáo, các di tích lịch sử Vĩnh Bảo còn là sự tôn kính - tưởng nhớ các anh hùng dân tộc; các bậc tiền nhân có công khai hoang mở đất; những người đã có công lập làng, lập xã, bảo vệ con người khỏi thiên tai, địch họa, hướng dẫn con người lao động, sản xuất, học hành thi cử... Tiêu biểu như Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi khắc họa rõ nét cuộc đời, sự nghiệp và công lao của Danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu luôn được tôn vinh tưởng nhớ - một người con tiêu biểu của vùng đất học Vĩnh Bảo. Đình Từ Lâm - xã Đồng Minh thờ Đô đốc Quận công Hoa Duy Thành; Miếu Bảo Hà - xã Đồng Minh thờ Linh Lang Đại Vương, con Vua Lý Thái Tông; Đình Lễ Hợp (xã tam Đa) thờ danh tướng thời Hai Bà Trưng - tướng Phạm Đàn; Đình An Quý - xã Cộng Hiền thờ Trần Hưng Đạo;...

Pho tượng Đức Linh Lang Đại vương tọa lạc tại miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh), có thể "đứng lên, ngồi xuống".
Vĩnh Bảo không chỉ tự hào là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể; mà nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, gắn liền với quá trình phát triển của con người và mảnh đất nơi đây như hát chèo, hát đúm, múa rối nước, rối cạn, múa rồng, múa tứ linh được lưu giữ, phát huy và gìn giữ có hiệu quả. Ngoài ra nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng, làm con giống, nhiều trò chơi dân gian như pháo đất, đua thuyền, đấu vật... cũng đang được tái hiện, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tạo nên nét đặc trưng vùng miền của người dân Vĩnh Bảo.

Hội thi pháo đất
Để gìn giữ giá trị các di sản văn hóa của quê hương, người dân Vĩnh Bảo từ bao đời đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử của địa phương. Các lễ hội ở đây thường được tổ chức tập trung vào dịp đầu xuân và tháng tám âm lịch hằng năm. Nhiều lễ hội đã trở thành niềm tự hào, một miền ký ức đẹp của nhân dân địa phương, là những dịp cố định nhắc nhớ trở về của những người con Vĩnh Bảo đang sinh sống, lao động ở nhiều miền Tổ quốc. Các lễ hội ở đây thường được tổ chức trong ba ngày gồm phần lễ và phần hội. Nhiều năm qua phần hội được Ban tổ chức các lễ hội rất coi trọng. Các loại hình nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian lại được dịp công diễn. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay lễ hội Đền Trạng Trình liên tục được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, tạo điểm nhấn - nét văn hóa tâm linh trên quê hương Vĩnh Bảo anh hùng.
Việc bảo tồn giữ gìn nét đẹp của những di tích quê hương đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; để quê hương Vĩnh Bảo ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hoá./.
Đặng Mai (tổng hợp)